Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu phục hồi

06/11/2023 - 15:39 | Giá cả, thông tin thị trường

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng vừa qua đạt 43,08 tỷ USD. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 10, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022; trong đó, nhóm nông sản 2,47 tỷ USD, tăng 31,1% so với tháng 10/2022; lâm sản 1,28 tỷ USD, giảm 0,2%; thủy sản 850 triệu USD, giảm 5,9%. Tính chung 10 tháng, do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, nhóm thủy sản đạt 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%.

Về thị trường, 10 tháng qua, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á tăng 5,7%; châu Phi tăng 21,6%; còn các khu vực khác đều giảm: châu Mỹ giảm 20,6%; châu Âu giảm 11,8%; châu Đại Dương giảm 17,2%. Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,8%, tăng 16,2% so với cùng kỳ; Mỹ chiếm 20,6%, giảm 20,8% và Nhật Bản chiếm 7,5%, giảm 8,5%.

Bộ NN&PTNT hiện đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, ngành tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU... 

Xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trưởng dương

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9 vừa qua, xuất khẩu cá tra đã ghi nhận tăng trưởng dương lần đầu tiên kể từ đầu năm 2023 đến nay. Đây là tín hiệu thị trường nhập khẩu thủy sản bắt đầu rục rịch chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp lễ tết cuối năm. Cụ thể hơn về các thị trường chính đang nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, VASEP cho biết, hiện mặt hàng cá tra đang có nhiều điểm sáng.

Trung Quốc vẫn dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay. Mỹ đứng thứ 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. EU đang dần trở lại cuộc đua về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam với ghi nhận mức tăng trưởng trở lại trong tháng 9 vừa qua. Cũng trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Nhật Bản, Mexico, New Zealand… ghi nhận tăng trưởng dương nhập khẩu cá tra Việt Nam từ 10 - 70%.

Riêng tại thị trường Nhật Bản, kể từ tháng 3/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường này liên tục sụt giảm. Đến tháng 9, xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản khi được hưởng nhiều ưu đãi từ cắt giảm thuế quan trong Hiệp định CPTPP cùng với số lượng người dân đến từ các nước châu Á sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đang dần tăng lên; thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam nhiều hơn.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đánh giá năm 2023, xuất khẩu thủy sản rất khó khăn, nhưng Nhật Bản vẫn có nhu cầu thủy sản và doanh nghiệp cũng rất quan tâm xuất khẩu vào thị trường này. Điều này đã được chứng minh khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản có mức giảm thấp hơn so với mức giảm của cả ngành.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 207 triệu USD

Quý III/2023, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 66 triệu USD; Lũy kế hết tháng 9/2023, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 207 triệu USD. Trong 9 tháng, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ các sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên.

Sản phẩm cá tra phile, cắt khúc đông lạnh HS0304 chiếm 98,3% tỷ trọng trong 9 tháng đầu năm nay. Quý III/2023, xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ đạt 65 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, theo sau đó là cá tra tươi/đông lạnh/ khô nguyên con, cắt khúc (trừ cá thuộc mã 0304) đạt 767 nghìn USD, giảm 55% và cá tra chế biến giá trị gia tăng (thuộc mã HS16) đạt 223 nghìn USD, giảm 81% so với quý III/2022.

Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 về cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc & Hongkong). Quý III/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái (-32%) nhưng mức sụt giảm và khoảng cách đã thu hẹp hơn so với 2 quý trước đó, quý I/2023 và quý II/2023 chứng kiến tăng trưởng âm (lần lượt là -64% và -58% so với cùng kỳ năm 2022).

Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá tra sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đứng đầu vẫn là Vĩnh Hoàn với 49,4% tỷ trọng, theo sau lần lượt là Thủy sản Biển Đông 19,4%, Vạn Đức Tiền Giang 9,9%, NTSF 6,6% và Nam Việt 6,4%. 

Riêng Vĩnh Hoàn – doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở thị trường Mỹ đã giảm về mức trung bình, cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại. Doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang Mỹ trong quý II/2023 tăng 31% so với quý trước đó. Các đơn đặt hàng trong quý III/2023 cũng được cải thiện hơn so với quý II/2023 cả về sản lượng và giá.

Lượng hàng tồn kho đang giảm dần, nhu cầu tiêu thụ lớn cho các dịp lễ tết cuối năm sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng. Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên trong quý IV/2023. Nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra năm 2023 sẽ mang về 1,7 tỷ USD.

Mặt hàng tôm thu hẹp dần mức giảm qua từng tháng

Với mặt hàng tôm, mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ. 

Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9.

Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm, VASEP nhận định. Với sự phục hồi của thị trường Mỹ, dự báo cả năm 2023 thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD cho doanh số xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự bứt phá còn đến từ các loài hải sản (như: cá tuyết, ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm). Những sản phẩm khác như cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cua ghẹ, cá tra chế biến, tôm khô… cũng đang có nhu cầu nhập khẩu tăng từ các thị trường so với năm trước.

Theo Báo Chính phủ, đã có những tín hiệu tích cực đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đó là sự phục hồi của nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và tín hiệu tích cực nhất trong các mặt hàng xuất khẩu là cá tra. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, ngành Nông nghiệp cần có giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Thảo Nguyên