Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

15/12/2021 - 10:18 | Giá cả, thông tin thị trường

Nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của cả nước Theo thống kê, hiện nay cả nước có 218 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp, với tổng công suất thiết kế ước đạt hơn 31 triệu tấn/năm. Hiện Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 1 vùng Đông Nam Á trong danh sách 30 quốc gia sản xuất TACN chiếm 86% sản lượng TACN toàn cầu. Tuy nhiên, ngành TACN Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan thì tổng nguyên liệu TACN nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm, khoảng 14,45 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD (tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về giá trị so với cùng kỳ 2020). Trong đó thức ăn giàu năng lượng đạt 8,97 triệu tấn, tương ứng 2,35 tỷ USD (tăng 49,4% về số lượng và 89,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020); thức ăn giàu đạm đạt 5,09 triệu tấn, tương ứng với 2,27 tỷ USD (giảm 2,6% về số lượng nhưng tăng 28% về giá trị); thức ăn bổ sung đạt 0,38 triệu tấn, tương ứng 0,6 tỷ USD (giảm 3,3% về số lượng và tăng 13,3% về giá trị). Ðây là nguyên nhân khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi TACN chiếm tới 60% chi phí sản xuất và giá thành

Nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực trạng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Ước tính đến cuối năm 2021 thì số lượng tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh là 52.474 con trâu, bò/13.598 hộ, cơ sở chăn nuôi; 370.050 con heo/10.227 hộ, cơ sở chăn nuôi heo; 6.303.200 con gia cầm (gà, vịt, ngan)/57.174 hộ, cơ sở chăn nuôi; 92.000 con dê, cừu/10.425 hộ chăn nuôi. Với số lượng tổng đàn vật nuôi như hiện này thì nhu cầu thức ăn chăn nuôi ước tỉnh khoảng 0,98 triệu tấn/năm.

Nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cung ứng hiện nay chủ yếu là phụ phẩm từ cây lúa, bắp, khoai mì. Theo số liệu của Chi cục Trồng Trọt và BVTV thì trong năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên toàn tỉnh đạt khoảng 57.339 ha, trong đó diện tích và sản lượng các loại cây hàng năm chính: Lúa 25.236 ha, sản lượng 144.288 tấn, tăng 10,17% so năm 2020; khoai mì 7.440 ha, sản lượng 188.406 tấn, tăng 0,83%; bắp 9.188 ha, sản lượng 48.939 tấn, bằng 96,2%; rau đậu các loại 9.327 ha, sản lượng 141.841 tấn, tăng 3,69%, ... đồng thời trong năm 2021 đã thực hiện chuyển đổi 366,3 ha đất sản xuất trồng trọt kém hiệu quả (trong đó: có 180 ha đất lúa) sang các loại cây trồng khác rau, bắp, dưa hấu, đậu các loại, ...

Thuận lợi để phát triển vùng trồng nguyên liệu

Khí hậu nhiệt đới, cận xích đạo với các ưu thế như: tổng lượng bức xạ cao và ổn định, nhiệt độ bình quân cao đều quanh năm, tổng tích ôn lớn, số giờ nắng nhiều, mưa nhiều, ít bão…Như vậy, có thể xem đây là một lợi thế cho phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ, ứng dựng công nghệ cao; đó là hướng phát triển của nền nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp dụng công nghệ cao.

Quỹ đất nông nghiệp còn khá; đặc biệt là hai chuyện Châu Đức và Xuyên Mộc, địa hình bằng phẳng, trên 45% diện tích là đất phù sa và đất có nguồn gốc bazan; trên 70% diện tích đất có địa hình bằng phẳng, độ dốc cấp 3; trên 88% diện tích đất có độ dày tầng canh tác lớn hơn 50 con với ưu điểm là thích nghi rộng, có khả năng thích nghi với nhiều loại cây trồng.

Nguồn nước và chế độ thủy văn: nguồn nước mặt khá lớn với 2 con sông chính là sông Thị vải – Cái Mép, Sông Dinh và Sông Ray, do đó có thể xây dựng được nhiều công trình thủy lợi cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh ta là một trong những tỉnh thực hiện khá tốt chủ trương của Chính Phủ về liên kết “ 4 nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và hiện tại đang thực hiện Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn.

 Cây lúa và cây bắp đã hình thành bộ giống chất lượng cao. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng và khá thành công trên cây bắp làm cho năng suất cây bắp tăng đáng kể ( từ 4,04 tấn/ha năm 2005 lên 4,96 tấn/ha năm 2015); cá biệt có nơi tăng lên đến 6 – 7 tấn/ha. Do cây bắp lai được trồng từ khá lâu năm nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất bắp lai. Đất có nguồn gốc bazan là điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây bắp; trong đó các xã Đá Bạc, Suối Rao, Láng Lớn là vùng sản xuất bắp tập trung với quy mô lớn.

Cây khoai mì đã triển khai trồng thử nghiệm và nhân rộng giống mới: giống khoai mì HL-S11 (do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nhập về tuyển chọn và nhân giống). Qua thực tế cho thấy, giống HL-S11cho năng suất cao và ổn định, chống chịu với các loại sâu bệnh phổ biến như nhện đỏ, rệp sáp, chịu hạn và quan trọng là không bị bệnh chổi rồng (một loại bệnh chưa có thuốc trị trên cây mì). Cùng với đó, HL-S11 có hàm lượng tinh bột tới trên 30% trong khi các giống phổ biến đang trồng chỉ đạt 24-25%. Năng suất tinh bột của HL-S11 đạt tới hơn 14 tấn/ha, trong khi các giống mì trồng trước đó chỉ cho 10-12 tấn/ha, nhờ đó thu nhập từ trồng mì cũng tăng từ 20-30%.

Khó khăn

Do việc đô thị hóa và công nghiệp hóa nên quỹ đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp gia tăng đã và đang làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Khó khăn lớn nhất đối với đất đai ở tỉnh ta trong việc phát triển nông nghiệp là có 18.967 ha thuộc nhóm đất đen mặc dù độ phì nhiêu khá tốt song lại có tầng canh tác mỏng, kết hợp với điều kiện thiếu nguồn nước tưới nên rất khó để chuyển đổi cây trồng một cách hợp lý và có hiệu quả kinh tế cao.

Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp do quy mô đồng ruộng nhỏ, sản xuất trong tình trạng manh mún, chưa hình thành được những cánh đồng lớn để thực hiện liên kết trong sản xuất.

Giá cả thị trường luôn biến động theo chiều hướng bất lợi cho người sản xuất nông nghiệp: giá vật tư (phân bón, thuốc BVTV…) ngày càng tăng, giá thuê nhân công làm nông nghiệp cũng tăng đáng kể, trong khi đó giá sản phẩm nông nghiệp lại giảm hoặc không tăng kịp so với tốc độ tăng của các yếu tố đầu vào.

 Ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng luôn tiềm ẩn gây tổn thất rất khó lường đối với ngành trồng trọt.

Phương hướng, Giải pháp

Cần điều chỉnh quy mô diện tích và cơ cấu các cây trồng phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Hướng đến sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng lựa chọn doanh nghiệp phù hợp tình hình chăn nuôi ở khu vực để mua chung đơn hàng, tiến tới mua trực tiếp của các nhà máy để hưởng ưu đãi về giá, không phải qua trung gian. Cần tiếp tục thực hiện chu trình khép kín "sản xuất - tiêu thụ" theo chuỗi giá trị, chú trọng giảm chi phí, phòng chống dịch bệnh tốt, tận dụng nguyên liệu sẵn có để giảm giá thành TACN, tăng khả năng cạnh tranh.

Xây dựng cánh đồng lớn, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa nông dân và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm báo đầu ra và giá bán ổn định cho bà con nông dân khi chuyển đổi và tăng thêm diện tích cây trồng.

 Ngân sách của tỉnh và các tổ chức tín dụng có thể triển khai các hình thức tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp để đầu tư trực tiếp vào các hoạt động trồng trọt, tạo vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng yêu cầu có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

                                                                                 Hạnh Nguyễn