Trồng cỏ nuôi bò, mua lò chế biến sữa

15/12/2021 - 10:26 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Chuyển hướng canh tác từ trồng hoa sang trồng cỏ nuôi bò, ông Nguyễn Văn Nhiệm thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu trang trại bò sữa khép kín theo hướng an toàn sinh học bền vững mỗi năm lợi nhuận trên 600 triệu đồng.

Về lại mảnh đất Châu Pha vào những ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm trang trại với cái tên thân thiện Bò sữa Ông Nhiệm. Trong lúc mọi người đang tất bật với dây chuyền chế biến sữa để kịp chuyển đi cho các đại lý theo đúng hợp đồng. Lau khô những giọt mồ hôi trên má, sắp xếp công việc, dành chút thời gian tiếp chúng tôi bên chiếc bàn gỗ làm bằng rễ cây. Ông Nhiệm kể:

Trước đây, gia đình ông lập nghiệp bằng nghề trong hoa. Công việc vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng được là bao. Hoa đến lúc thu thì nhưng không trùng với dịp lễ tết thì coi như thất thu, nhiều lúc phải bán dưới giá thành, thu không đủ bù chi, kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2003, Trung tâm Khyến nông tỉnh triển khai Dự án bò sữa, gia đình ông may mắn được chọn hỗ trợ vay vốn mua 4 con bò mà không tính lãi suất. Khi nhận bò, ông đã xác định đây chính là cơ hội để gia đình chuyển hướng làm ăn. Sau khi được địa phương giới thiệu tham quan một số mô hình nuôi bò hiệu quả tại một số tỉnh lân cận, được Trung tâm Khuyến nông mời tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa sinh sản, ông quyết định xây chuồng và chăm sóc bò theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Nhiệm kể tiếp, thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm trong khâu chọn giống, chăm sóc vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật phối trộn thức ăn cũng như thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn nên thời gian thành thục kéo dài, sản lượng sữa chưa đạt, chất lượng sữa chưa đáp ứng yêu cầu với người tiêu dùng. Do vậy, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, hàng ngày ông vẫn miệt mài tìm hiểu qua sách báo và các trang mạng điện tử, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Vừa chăn nuôi vừa mày mò học hỏi kỹ thuật, tự tích lũy kinh nghiệm, sau những năm tháng cần mẫn, miệt mài với công việc mà mình yêu thích, đàn bò bắt đầu cho sữa đúng chu kỳ và đúng chất lượngLấy số vốn dành dụm từ bán sữa ông đầu tư chuồng trại, trồng cỏ để nhân rộng đàn bò. Đến nay trang trại của ông có khoảng 1,7ha đất trồng cỏ voi đủ đáp ứng thức ăn xanh cho đàn bò 50 con. Trong đó có 30 con đang cho sữa, số bò còn lại là bò hậu bị. Tất cả đàn bò đang được nuôi nhốt trong chuồng trại khang trang với diện tích khoảng 2.000m2.

Quy trình chăn nuôi ổn định, nguồn sữa bò đạt chất lượng, số lượng sữa thu hoạch trung bình mỗi ngày khoảng 200kg nhưng đầu ra phụ thuộc thương lái, giá cả bấp bênh. Đầu năm 2017, ông quyết định đầu tư đầu tư máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm từ sữa như máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa rồi học cách chế biến làm ra các sản phẩm sữa chua đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

Để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất hàng hóa bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng, ông Nhiệm tìm hiểu quy trình sản xuất VietGAP rồi chuyển trang trại từ trồng cỏ nuôi bò theo phương thức truyền thống sang quy trình sản xuất VietGAP. Để được cấp chứng chỉ VietGAP, tất cả dây chuyền từ chuồng trại, đến quy trình chăm sóc, x lý, vệ sinh, phòng bệnh, trồng cỏ, chế biến thức ăn cho bò ông đều thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt về chăn nuôi bò sữa an toàn tại Việt Nam theo quyết định Số1579/QĐ-BNN-KHCN.  

Chăn nuôi bò theo quy trình khép kín đòi hỏi người chủ phải có tâm huyết, yêu nghề mình đã chọn mới thành công. Nuôi bò sữa không có ngày nghỉ, tất cả thời gian 365 ngày trong năm không có ngày nào là ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ tết. Muốn có lượng sữa đạt cả về chất lượng và số lượng thì mình phải chăm sóc đàn bò thật tốt, cắt cỏ cho bò ăn ngày hai lần trời nắng cũng như trời mưa. Sữa bò vắt ngày hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Trước khi vắt, máy vắt và bầu sữa được vệ sinh sạch s. Sữa sau khi thu, được thanh trùng ngay ở nhiệt độ 75-80 độ C, sau đó đem đóng chai hoặc chế biến thành các sản phẩm sữa chua. Hiện nay, một ngày gia đình làm khoảng 2.000 bịch sữa chua dẻo, cùng vài trăm hũ sữa chua trân châu, sữa chua nếp cẩm và sữa thanh trùng đóng chai tương đương khoảng 200kg sữa tươi. Với cách làm này mỗi năm sau khi trừ chi phí ông thu lải khoảng 600 triệu động và giải quyết việc làm cho 15 công nhân với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nhiệm cho biết thêm.

Là Chi hội trưởng thuộc Hội nông dân xã Châu Pha, ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Nhiệm còn tích cực tham gia tốt hoạt động các phong trào nông dân ở địa phương, các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn nông dân trong vùng khi đến tham quan mô hình nuôi bò khép kín của ông. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua trang tại Bò sữa Ông Nhim đã đóng góp cho tuyến đầu chống dịch trên 25.000 bịch sữa chua các loại. Với những đóng góp tích cực, từ năm 2018 đến nay ông Nguyễn Văn Nhiệm liên tục được UBND tỉnh tặng bằng khen Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thành tích cao hơn nữa là trong năm 2020 ông được Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen Nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất kinh doanh góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha chia sẻ và cho biết thêm “Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Nhiệm được biết đến là nông dân nuôi bò sữa và chế biến các sản phâm từ sữa có tiếng ở địa phương được nhiều người yêu mến. Thương hiệu Bò sữa Ông Nhiệm là minh chứng cho nông dân thời đại mới dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Trọng Hoàng