Thực trạng và tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

20/07/2023 - 11:19 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với cả nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện Chương trình nhằm duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Để đạt được mục tiêu đó cần có nhiều Chương trình, dự án đi vào chiều sâu của từng lĩnh vực; một trong những Chương trình, dự án quan trọng trong giai đoạn này đó là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) thúc đẩy sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, khả năng cạnh tranh của địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý thuận lợi, sở hữu nhiều điều kiện để phát triển kinh tế như cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH và phát triển trên cả 05 lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch, NNCNC. Tốc độ phát triển kinh tế khá mạnh, GRDP trừ dầu khí tăng bình quân 6,10%/năm (quy mô GRDP đứng thứ 3 cả nước). Với vị trí chiến lược quan trọng và là cửa ngõ ra biển Đông, cách TP HCM chưa đến 50 km qua cao TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng Quốc lộ 51 là đầu mối giao thông, giao thương của tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc tế. Việc vận chuyển và giao thương vận tải hàng hóa thuận lợi là động lực phát triển giúp người thực hiện chương trình OCOP giảm vốn đầu tư, chi phí vận chuyển cũng như đảo bảo chất lượng sản phẩm.

Thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, nền nông nghiệp của tỉnh bước đầu hình thành 07 vùng nông nghiệp công nghệ cao gồm: Châu Đức, Phú Mỹ, Bà Rịa, Đất Đỏ, Xuyên Mộc với tổng diện tích 5.910 ha. Trong đó, Tỉnh tập trung phát triển khu NNUDCNC về nuôi thủy sản và khu NNCNC có chức năng nghiên cứu, sản xuất và lai tạo giống, đào tạo, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là một tiềm năng giúp phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh đến với Chương trình OCOP, thời gian qua, Chương trình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của cả hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương cùng sự tham gia hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Về cơ bản đã khẳng định được hiệu quả thiết thực trong việc lan tỏa thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng ở từng địa phương. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 91 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của 45 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 62 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao (89 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận và 02 sản phẩm đươc UBND cấp huyện công nhận). Sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng của các công ty, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm; đạt chứng nhận HACCP, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tập trung phát triển vùng nguyên liệu đầu vào tại địa phương và được kiểm nghiệm đánh giá từ quy trình trồng, thu hoạch, sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn; có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác. Đây là tiền đề, nguồn cung nguyên liệu đa dạng có chất lượng và sản lượng lớn để phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc khai thác giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng vùng miền. Dù vậy, để đưa sản phẩm OCOP đến với Bà Rịa - Vũng Tàu vừa là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với tỉnh. Việc triển khai thực tế Chương trình có những thực trạng nhất định và cần một số các giải pháp tương xứng với các thực trạng đó. Chương trình hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như chưa thật sự phát triển thực chất, hiệu quả mà chỉ tập trung vào việc phát triển số lượng. Mặc dù có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng, giàu tiềm năng và đa dạng về chủng loại, nhưng đối với các sản phẩm được khai thác từ nông sản địa phương, diện tích vùng trồng vẫn còn khá hạn chế, chưa đảm bảo được sản lượng nguyên liệu đầu vào và xác định các dòng sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Từ thực trạng này, để sản phẩm OCOP phát huy được hiệu quả, các địa phương cần thống kê chính xác diện tích canh tác của các sản phẩm được lựa chọn để chuẩn hóa, có lợi thế về chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ. Từ đó có sự đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, tránh tình trạng làm theo phong trào, dàn trải...

Bên cạnh đó, danh sách sản phẩm OCOP ngày một dài là tín hiệu vui, nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở trong việc tìm đầu ra cho từng sản phẩm. Vì vậy, để khuyến khích sự tham gia hưởng ứng Chương trình OCOP, ngoài việc quan tâm, cải thiện nâng cao chất lượng và chiều sâu để thăng hạng sao cho sản phẩm OCOP, cần đặc biệt chú trọng đến hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP và OCOP tiềm năng tại các triển lãm, hội chợ, diễn đàn, hội thảo cũng như sàn thương mại điện tử... Đặc biệt là tăng cường các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP du lịch, gắn với hệ thống tham quan bán hàng kinh doanh sản phẩm OCOP thông qua tuyến du lịch, sử dụng OCOP như một điểm đến du lịch để làm sao quảng bá rộng rãi hơn các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng nên tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP là rất lớn. Việc công nhận sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng và tính truyền thống của sản phẩm địa phương mà còn góp phần thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho đến xây dựng nhãn mác hàng hóa, thương hiệu sản phẩm của chính quyền, người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã đạt trong giai đoạn vừa qua cùng sự quan tâm của chính quyền và đơn vị có liên quan trong việc phát triển Chương trình ở giai đoạn sắp tới là cơ sở quan trọng để Chương trình OCOP của tỉnh phát triển thực chất, hiệu quả, từng bước hình thành phân khúc riêng cho thị trường hàng hóa ở nông thôn. Quan trọng là góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo mục tiêu cốt lõi mà Chương trình đã đề ra.

Như Vân