thực trạng và định hướng phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

04/10/2022 - 10:52 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Thực hiện Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2022. Nhằm cung cấp thông tin, cập nhật tình hình sản xuất, định hướng phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm. Sau đây tôi xin giới thiệu thực trạng và định hướng phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như sau:

Thực hiện Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2022. Nhằm cung cấp thông tin, cập nhật tình hình sản xuất, định hướng phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm. Sau đây tôi xin giới thiệu thực trạng và định hướng phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như sau:

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những bước chuyển biến tích cực, nhịp độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 3,93%. Có được kết quả trên là do nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực thi đua sản xuất không ngừng vươn lên của đông đảo bà con nông dân, các HTX và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp. 

Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn (trong quá trình xây dựng nông thôn mới) đã và đang được đầu tư hoàn thiện rất nhanh, thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được hoàn thiện, hạ tầng thủy lợi, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đáp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng quy định của pháp luật về thủy lợi, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ theo quy định, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông, ngư nghiệp đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường, để nhân ra diện rộng sẽ là một điểm mạnh đáng kể để chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đã có những sản phẩm với thương hiệu nổi tiếng như hồ tiêu Bà Rịa, nhãn xuồng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, ca cao và các sản phẩm nông nghiệp khác có nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ là tiền đề để sản xuất chinh phục, mở rộng thị trường, mở rộng lợi thế cạnh tranh thương trường.

Phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đang là xu hướng tất yếu. Trên địa bàn tỉnh đến nay có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (tương đương so cùng kỳ); quy mô diện tích 5.272,4 ha, diện tích đang sản xuất 5.255,2 ha, sản lượng ước đạt trong năm 2022 là 51.450 tấn. Trong chăn nuôi, hiện có 92 trang trại (46 trại heo, 7 trại vịt giống và 39 trại gà) ứng dụng công nghệ cao; có 128.600 con heo thịt, 42.000 heo nái, 1.670.000 gà thịt, 152.000 gà đẻ, 172.000 con vịt đẻ trứng giống. Giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 2.224 tỷ đồng. Tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 33,0% so với tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Trong thủy sản, có 15 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 400 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 3.400 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 26 % tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 12.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 44%.

BÊN CẠNH NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC, NGÀNH NÔNG NGHIỆP CÒN GẶP RẤT NHIỀU HẠN CHẾ KHÓ KHĂN CẦN KHẮC PHỤC:

Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu và không đồng bộ để áp dụng tiến bộ kỹ thuật hay ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; đặc biệt là thủy lợi, giao thông nội đồng, điện và hệ thống cơ sở chế biến nông sản. Kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, kinh tế hợp tác vẫn còn là hình thức; vấn đề hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ chỉ mới bước đầu được thực hiện. Để hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong nông nghiệp thực chất và chia sẻ hài hoà về lợi ích vẫn là con đường dài. Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thiên về sử dụng một cách lãng phí các nguồn tài nguyên hữu hạn. Nguồn tài nguyên vô hạn là tri thức, khoa học công nghệ, chính sách, thương hiệu... đã bước đầu được khai thác; tuy nhiên, mức độ khai thác chưa lớn nên hiệu quả không cao. Cơ cấu nguồn nhân lực sử dụng trong nông nghiệp còn nhiều bất cập.

CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRONG THỜI GIAN TỚI

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển với mục tiêu coi trọng chất  lượng và hiệu quả, gắn sản lượng nông sản với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường; xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng, các vùng chăn nuôi tập trung với các cây trồng, vật nuôi là hàng hóa chủ lực của tỉnh, trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Đặc biệt coi trọng xây dựng các khu nông  nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đô thị nhằm tạo đột phá trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; Để đạt được các mục tiêu tổng thể ngành nông nghiệp cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại các ngành: trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chương trình, đề án, dự án phát triển nông thôn khác nhằm nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn.

Phát triển hạ tầng, hệ thống thủy lợi, nâng cao năng lực phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; phát triển các mô hình sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Tăng cường thu hút, khuyến khích, hỗ trợ nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tổ chức thẩm định, công nhận các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp, hộ dân đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh

Tăng cường thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng thông qua cẩm nang, tờ rơi, tài liệu, hình ảnh thu hút, dễ hiểu cho người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng; Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho các đơn vị, địa phương, hướng đến mục tiêu chung của ngành nông nghiệp về an toàn, chất lượng thực phẩm, an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Thảo Nguyên