Thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong tình hình mới

14/07/2023 - 14:00 | Giá cả, thông tin thị trường

Theo Báo Chính phủ, thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản là trọng tâm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng tới trong 6 tháng cuối năm.

Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm là 3,1% (trong đó: nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,96%). Cùng với đó, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản khá cao, đạt 3,07% (nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%).

6 tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp đã gặp những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó khó khăn lớn nhất thuộc về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản (chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thủy sản). Nhưng với tinh thần "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", toàn ngành đã đạt được những kết quả cao, toàn diện. Ngành tiếp tục chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển: Nông nghiệp sinh thái - Nông nghiệp xanh - Nông nghiệp tuần hoàn.

Những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino khiến nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản và cháy rừng cao ở nhiều địa phương… Tất cả những yếu tố này sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh; đòi hỏi toàn ngành Nông nghiệp phải nỗ lực, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.

Ngày 3/7/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp. Tại cuộc họp báo, các vấn đề về thúc đẩy thị trường nông lâm thủy sản được nêu ra. Nổi bật là xuất khẩu rau quả được nhắc đến như một điểm sáng trong 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: "Các nước ASEAN và ngành Nông nghiệp các nước trên thế giới rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực. Từ trước tới nay, người dân vẫn quan niệm năm nhuận thì năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay không xảy ra tình trạng đó vì Bộ NN&PTNT đã đúc kết kinh nghiệm, hướng dẫn bà con các kỹ thuật. Việt Nam đang góp phần bảo đảm an ninh lương thực không chỉ cho đất nước, khu vực mà còn thế giới". Thứ trưởng nhìn nhận, ngành Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới.  

Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, Bộ sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới. Đối với hai ngành hàng lâm sản và thủy sản có sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quan điểm của Bộ NN&PTNT là tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất hai ngành hàng này, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của các nước; đàm phán mở rộng thị trường (bởi dư địa phát triển còn lớn). Thời gian qua, hai hiệp hội ngành hàng cũng đã họp với Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn, sau đó gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng đã được tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp nên chắc chắn xuất khẩu sẽ có sự khởi sắc.

Đối với ngành hàng đang có sự tăng trưởng xuất khẩu tốt, ngành Nông nghiệp sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm; với các hợp đồng đã ký thì thực thi hiệu quả. Đồng thời, tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường; xúc tiến thương mại để tận dụng các thị trường ngách.

Năm nay, ngành Nông nghiệp đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%. Trong đó: giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,27%; tổng sản lượng thủy sản đạt 9,05 triệu tấn (thủy sản nuôi trồng 5,37 triệu tấn, thủy sản khai thác 3,68 triệu tấn); phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54-55 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao. Cụ thể là: nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

Thúy Nga (nguồn TCTS)