Quản lý, kiểm soát Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc

03/05/2019 - 08:34 | An toàn thực phẩm

Quản lý, kiểm soát Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc

Ngày 29/3/2019 tại TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin, nghiệp vụ về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các quy định về quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo tại Hội thảo. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam và ngược lại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam trên thế giới. Trong năm 2018, thương mại chung giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 106,69 tỷ USD. Trong đó thương mại các mặt hàng nông nghiệp đạt giá trị 11,12 tỷ USD (xuất khẩu đạt giá trị 8,64 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,47 tỷ USD), thăng dư thương mại đạt 6,17 ỷ USD. Các sản phẩm NLTS Việt Nam xuất khẩu chính sang Trung Quốc bao gồm rau quả (đạt 2.78 tỷ USD), cao su (1.37 tỷ USD), thủy sản (996 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (1.072 triệu USD), lúa gạo (683 triệu USD), sắn và sản phẩm từ sắn (844 triệu USD), điều (452 triệu USD), cà phê (109 triệu USD), chè (19.6 triệu USD).Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ 1 đối với cao su, rau quả, sắn, gạo,thứ 2 về hạt điều, thứ 3 về các sản phẩm thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, đứng thứ 4 về chè trong tổng xuất khẩu các mặt hàng này năm 2018 của Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có các buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục hải quan Trung Quốc,Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam trong công tác mở cửa thị trường nông sản, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản chính ngạch như: các sản phẩm trái cây, khoai lang, sữa và sản phẩm sữa, thủy sản,sản phẩm Tổ yến; tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, sắn và sản phẩm sắn sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay tiềm năng thương mại nông sản giữa hai nước còn rất lớn: Việt Nam có 20 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá ba sa, tôm,…Nhiều chuỗi cung ứng trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Hội thảo quốc tế đã tập trung phổ biến tới các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để hiểu rõ, nắm bắt, nâng cao năng lực thực thi và đáp ứng các quy định thị trường của hai bên, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, cụ thể:

Cung cấp thông tin về hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, hải quan; Phổ biến các quy định thị trường liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản (truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu….), những vấn đề khó khăn vướng mắc, quy định kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc; Trao đổi về nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực của các Cơ quan chức năng giữa hai nước trong công tác an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, SPS, các quy định về quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản;

Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của thị trường Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất khẩu; Tăng cường hợp tác giữa các Cơ quan nghiệp vụ hai nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối giao thương, phát triển tiêu thụ nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Hội thảo này và các chuỗi hội nghị phổ biến thông tin trong thời gian tới là cơ hội để các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp của Viêt  Nam phối hợp với các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác,đầu tư liên kết trong chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng các quy định của thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại nhằm phát triển thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững vì lợi ích chung của hai Bên.

CBTMNS