Phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các Hiệp định thương mại tự do khác

01/08/2019 - 07:21 | Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1804/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Mục tiêu của Đề án hướng đến giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh chung, vượt qua khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh; đồng thời nắm bắt và chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia hiệu quả các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.

Đề án đưa ra 06 nhóm giải pháp, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập như sau:

(1) Nhóm chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng bao gồm: hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp thành lập/chuyển đổi từ hộ kinh doanh.


UBND tỉnh luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập

kinh tế Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác



(2) Nhóm chính sách hỗ trợ tiếp cận và phát triển thị trường bao gồm: hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ phát triển thị trường nội địa; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm/doanh nghiệp; xây dựng chương trình kết nối cung - cầu

(3) Nhóm chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, môi trường và tiêu chuẩn chất lượng bao gồm: hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; quản trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp thương mại điện tử; hỗ trợ toàn diện để xây dựng và triển khai dự án nâng cao năng suất và chất lượng đổi với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

(4) Nhóm chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm: tiếp tục triển khai Chương trình bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho doanh nhân; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các Chương trình mục tiêu; hỗ trợ thông tin về thị trường lao động, kết nối với các tỉnh trong Vùng; tiếp tục triển khai các Chương trình dạy nghề trên địa bàn

(5) Nhóm chính sách hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý và hội nhập, bao gồm: tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Phát triển các tổ chức tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính; hỗ trợ tiếp cận đất đai

(6) Nhóm chính sách hỗ trợ theo ngành nghề và lĩnh vực, bao gồm: một số chỉnh sách phát triển ngành công nghiệp; một số chính sách phát triển ngành dịch vụ; một số chính sách phát triển ngành nông nghiệp/thủy sản

Để tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, các yêu cầu được đặt ra như sau: nội dung chính sách hỗ trợ cần đồng bộ với quá trình hoạt động của doanh nghiệp; đảm bảo quy trình xây dựng và ban hành chính sách với sự tham gia tích cực của đối tượng thụ hưởng; phổ biến chính sách được ban hành đến đối tượng thụ hưởng; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, thực thi và phản hồi chính sách; nâng cao năng lực của đội ngũ và các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp.

Sở Công thương được giao đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án. Các Sở ngành liên quan chịu trách nhiệm rà soát các chính sách hoặc chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong phạm vi lĩnh vực phụ trách; bổ sung hoặc điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mới theo yêu cầu từ Trung ương; tích hợp các nội dung đề xuất từ Đề án và đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai các biện pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất chính sách ban hành; bồi dưỡng nâng cao năng lực xây dựng chính sách của đội ngũ cán bộ và năng lực các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp trong phạm vi phụ trách.

Kim Khánh