Nhiều việc cần làm để xuất khẩu hồ tiêu vượt qua thách thức

22/11/2023 - 12:09 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu, đòi hỏi cả hiệp hội, doanh nghiệp (DN) và người nông dân phải có sự chuẩn bị và ứng phó phù hợp.

Giá tiếp tục giảm

Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tháng 10/2023 Việt Nam xuất khẩu được 19.193 tấn hồ tiêu các loại; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72,7 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 61,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 10,8 triệu USD. So với tháng 9 lượng xuất khẩu tăng 15,4%, kim ngạch tăng 17,3%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng đạt 3.664 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.211 USD/tấn, giảm 0,7% đối với tiêu đen và tăng 1,1% đối với tiêu trắng so với tháng 9.

Lũy kế hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 223.578 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 750,8 triệu USD, bao gồm tiêu đen đạt 640,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 110,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu tăng 14,6%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại giảm 11,7%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 10 tháng đạt 3.553 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.082 USD/tấn, so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu giảm 17,6% đối với tiêu đen và 15,6% đối với tiêu trắng.

Theo VPA, Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch trong năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Dự kiến cả năm 2023, lượng xuất khẩu sẽ đạt 250 nghìn tấn. Theo đó, lượng tồn kho 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị cho biết, mặc dù điều kiện thị trường khó khăn trong đó thị trường EU và Hoa Kỳ trầm lắng hơn so với thị trường Trung Quốc nhưng ngành hồ tiêu vẫn đạt thành tích xuất khẩu tốt, tăng về số lượng, tuy nhiên giảm về giá trị so với năm ngoái.

Hiện bối cảnh địa chính trị thế giới gồm suy thoái kinh tế, xung đột, chiến tranh Nga - Ukraine, Israel - Hamas ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu trong đó có yếu tố giá dầu và tình hình thương mại thế giới nói chung. Nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu nên đã chứng kiến sự sụt giảm của các ngành hàng nói chung mà nhóm hàng gia vị cũng không phải là ngoại lệ. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của các thị trường lớn trong đó có Hoa Kỳ và EU khả năng sẽ khó hồi phục trong ngắn hạn.

Nhiều việc cần làm

Vụ hồ tiêu năm 2024 sẽ bắt đầu trong gần 2 tháng nữa tại khu vực Đắk Nông, nơi được coi là vùng trọng điểm nhất của hồ tiêu Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, tình hình mưa lũ vào tháng 7 vừa qua được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới vụ thu hoạch hồ tiêu sắp tới, cộng với diễn biến dự đoán hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào cuối năm có thể dẫn tới sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 sẽ giảm so với năm 2023.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu vụ 2024 ước tính cũng sẽ giảm khi dự báo từ các nước sản xuất đều giảm. Tuy nhiên, theo VPA, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nên dự báo giá hồ tiêu sẽ khó tăng liên tục trong dài hạn. Cụ thể, ngoại trừ Trung Quốc, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắp tới của các nước trên thế giới có thể sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến từ xung đột địa chính trị tại một số khu vực. Đồng thời, tác động cuộc chiến Israel - Hamas cũng sẽ ảnh hưởng lên giá dầu mỏ, điều này sẽ càng làm cho tình hình kinh tế thế giới càng lâm vào suy thoái, sức mua khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

Theo dự báo của Công ty Simexco, trong năm tới, sản lượng hồ tiêu có thể giảm đến 15% do giảm diện tích, do thời điểm hồ tiêu ra hoa gặp thời tiết bất lợi và nhiều diện tích bị chuyển sang trồng sâu riêng. Đáng chú ý, theo các DN, mặc dù nhu cầu vẫn có nhưng do tình hình chiến tranh, lạm phát, lãi suất và một phần do tồn kho vẫn còn nên người mua còn chần chừ, lưỡng lự. Năm nay cũng là năm đầu tiên nhiều DN bị giảm đơn hàng cả năm.

Tại cuộc họp ban chấp hành VPA quý 3/2023 mới đây, các DN cho rằng VPA cần thực hiện khảo sát về tình hình phát triển sầu riêng hiện nay để đánh giá diện tích chuyển đổi từ hồ tiêu sang cây sầu riêng cũng như cây trồng khác. Việc phát triển hồ tiêu và cà phê bền vững bị mâu thuẫn với phát triển sầu riêng bền vững vì mã số vùng trồng của sầu riêng phải trồng chuyên canh. Theo đó, nên có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo tính bền vững cho hồ tiêu Việt Nam.

Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn VPA có chiến lược sắp xếp hỗ trợ các DN liên kết với nông dân để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Vì trong tương lai nếu DN không liên kết với nông dân sẽ không thể đáp ứng yêu cầu thị trường và tồn tại phát triển được.

Đặc biệt, quy định của EU về phá rừng, nguy hại tới rừng trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu. Do đó, các DN cho rằng VPA cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này. EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu. Việt Nam nhập khẩu từ Brazil rất nhiều, nếu xét từ thời điểm truy xuất 12/2020 thì diện tích hồ tiêu của Brazil vẫn chạm tới ngưỡng phá rừng, nguy hại rừng. VPA cần chuẩn bị hồ sơ để hỗ trợ DN khai báo cho phù hợp khi có yêu cầu.

Về vấn đề giảm phát thải, Việt Nam cam kết cắt giảm 30% trong năm 2030 và về Net Zero vào năm 2050. Theo đó, cần có sự chuẩn bị trước bao gồm sắp xếp hoạt động nhà máy và vườn trồng trong chuỗi bền vững để vừa bảo đảm việc tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu, quy định mà Chính phủ đang trong quá trình xây dựng cũng như giúp đem lại thêm thu nhập cho người dân nếu sản phẩm đạt chứng chỉ.

Hải Dương (sưu tầm)