Mỹ: phát hiện người lây nhiễm cúm H5N1 từ bò sữa

04/04/2024 - 15:09 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vào ngày 1/4/202, một người đàn ông ở bang Texas của Mỹ được chẩn đoán mắc cúm gia cầm H5N1 sau khi tiếp xúc gần với bò sữa nhiễm bệnh. Bò sữa tại các trang trại ở Texas và Kansas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm. Đây là trường hợp đầu tiên được biết đến ở bò ở Mỹ và có thể là trên toàn thế giới.

            Ba tuần trước, những con bò bị bệnh giống như cảm lạnh, hãng tin AP đưa tin. Các con vật này cung cấp ít sữa hơn bình thường, sự thèm ăn giảm đi và chúng có vẻ lờ đờ. Ủy ban Thú y Texas vừa công bố các mẫu sữa chưa tiệt trùng và dịch phết họng, mũi cho thấy những con bò này đã bị nhiễm chủng cúm gia cầm có độc lực cao H5N1 vốn gây dịch bệnh ở các loài chim hoang dã, chim thuần hóa và đôi khi lây nhiễm sang người. Thông báo này được đưa ra một tuần sau khi các trường hợp cúm gia cầm đầu tiên ở dê (Capra hircus) được báo cáo tại Mỹ. Theo báo cáo của Tổ chức Thú y Thế giới, đó là những con dê đang sống cùng đồng cỏ và nguồn nước với những con vịt và gà bị nhiễm cúm gia cầm tại một trang trại sân sau ở hạt Stevens, Minnesota.       

            Khoảng 10% số bò sữa đang cho sữa trong đàn này đều nhiễm virus. Bộ Nông nghiệp Mỹ coi rủi ro này đối với con người là thấp và lưu ý rằng, việc thanh trùng đối với sữa được bán thương mại giữa các bang, sẽ tiêu diệt được virus và vi khuẩn. Những con bò có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm dường như sẽ hồi phục mà không cần điều trị trong vòng 7 đến 10 ngày, các chuyên gia cho biết.

            Cho đến nay, cúm gia cầm H5N1 đã được báo cáo ở 48 loài động vật có vú, bao gồm cáo, chồn hôi, gấu trúc, hải cẩu và gấu Bắc Cực. Việc H5N1 lây sang động vật nhai lại như gia súc, dê, cừu… giờ chỉ là vấn đề thời gian.

            Tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm hiện nay

            a) Trên thế giới

            - Theo báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH), trong năm 2023, thế giới có 8.205 ổ dịch CGC xảy ra tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 1.291 ổ dịch CGC xảy ra tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

                - Đặc biệt tại Căm-pu-chia, năm 2023 có 06 người bị nhiễm vi rút CGC A/H5N1 (trong đó có 04 ca tử vong); từ đầu năm 2024 đến nay, tiếp tục có 05 người nhiễm CGC A/H5N1 (trong đó có 01 ca tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.

            b) Tại Việt Nam

             Năm 2023, cả nước có 21 ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại 11 tỉnh, buộc
tiêu hủy 40.606 con gia cầm, giảm trên 60% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 06 ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại 06 tỉnh  buộc tiêu hủy 8.924 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

            Bệnh nhân tử vong do mắc cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa

            Đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Trường hợp mắc cúm A(H5N1) tử vong là nam, 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực sinh sống; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Ngày 11/3/2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa vào ngày 16-17/3/2024, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi. Ngày 19/3/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm; theo kết quả xét nghiệm ngày 20/3/2024, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 và kết quả khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang ngày 22/3/2024 xác định bệnh nhân dương tính với cúm A(H5N1). Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23/3/2024.

            c) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

            Ngày 22/02/2024 xuất hiện 01 ổ dịch bệnh Cúm gia cầm xảy ra trên đàn ngan tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức, buộc tiêu hủy 1.300 con. Đây là ổ dịch Cúm gia cầm xảy ra sau 5 năm không ghi nhận các trường hợp gia cầm mắc bệnh. Qua xác minh thu thập thông tin, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh Cúm gia cầm có thể do các nguyên nhân sau: (1) Đàn ngan nhập về không rõ nguồn gốc, có khả năng mang trùng vi rút Cúm gia cầm, điều kiện thời tiết bất lợi, thời tiết chuyển mùa sang nắng nóng làm giảm sức đề kháng; (2) Đàn ngan chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, sau đó tiếp xúc với mầm bệnh thông qua phương tiện vận chuyển, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật nuôi vịt của công ty cung cấp cám không được tiêu độc sát trùng hoặc thay đồ khi tiếp xúc với đàn vịt.

            Các biện pháp triển khai chống dịch: Ngay khi nhận được thông về đàn ngan bệnh, chết nhiều, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và gởi về Chi cục Thú y vùng VI để xét nghiệm, xác định chủng vi rút Cúm gia cầm gây bệnh; Tổ chức tiêu huỷ toàn bộ đàn ngan bằng phương pháp chôn tại chỗ, tiến hành tiêu độc khử trùng, rải vôi khu vực chăn nuôi và lối ra vào. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Châu Đức đã ban hành văn bản về khẩn trương triển khai công tác phòng chống bệnh Cúm gia cầm, trong đó chú trọng thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm trên huyện Châu Đức và 02 địa phương giáp ranh là thị xã Phú Mỹ và huyện Xuyên Mộc.

                                                          Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y