“Muối Bà Rịa” có gì đặc biệt đối với các nhà thùng sản xuất nước mắm tại huyện Phú Quốc.

18/08/2020 - 14:05 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Theo các nhà thùng của Hội chế biến nước mắm truyền thống Phú Quốc: hiện nay hầu hết các cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn huyện Phú Quốc đều sử dụng muối Bà Rịa vào trong quá trình chế biến nước mắm (lượng muối Bà Rịa sử dụng khoảng 20.000 - 25.000 tấn/năm và có thể lên tới 30.000 tấn/năm vào những năm mùa cá cơm khai thác được nhiều), muối sử dụng chủ yếu là muối đất trên địa bàn xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu và một số cơ sở trên địa bàn huyện Long Điền. Các nhà thùng cũng coi hạt muối Bà Rịa như là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc. Chính vì vậy Hội chế biến nước mắm Phú Quốc kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hàng năm tăng cường công tác lấy mẫu nước để kiểm tra, đánh giá chất lượng nước làm muối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với UBND tỉnh cần sớm quy hoạch vùng sản xuất muối để đảm bảo nguồn nước trong quá trình sản xuất đồng thời đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng và thương Hiệu muối Bà Rịa

Vậy vì sao “Muối Bà Rịa” lại được các nhà thùng ở Phú Quốc chọn là thứ muối duy nhất để sản xuất nước mắm cùng cá cơm, muối Bà Rịa được cho là loại muối chuẩn vị nhất để làm mắm. Vậy trong muối Bà Rịa có gì để trở nên đặc biệt như vậy? Để xác lập cơ sở khoa học cho việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho muối Bà Rịa, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh, đánh giá sản vật này với các loại muối được sản xuất tại Ninh Thuận và Khánh Hòa. Được biết, đây là 2 vùng sản xuất muối theo phương thức phơi nước phân tán giống với phương thức sản xuất muối ở Bà Rịa. Một trong những tiêu chí đầu tiên để xem xét chất lượng muối là hàm lượng chất không tan. Bởi lẽ, hàm lượng này quyết định đến độ mặn của muối. Muối có thành phần tạp chất càng cao thì hàm lượng phần trăm NaCl càng thấp và ngược lại.

Muối Bà Rịa có hàm lượng chất không tan đạt giá trị 0,14%. thấp hơn so với muối Ninh Thuận và Khánh Hòa lần lượt là 4 và 2 lần. Khi so sánh với TCVN 9638:2013 thì muối Bà Rịa thấp hơn 3 lần so với tiêu chuẩn tối đa cho phép.

Về độ ẩm, muối Bà Rịa có giá trị 4,64%, thấp hơn từ 0,89% - 1,08% so với muối Ninh Thuận là 5,27% và Khánh Hòa là 5,53%. Trong khi đó, hàm lượng Mg2+ là có ý nghĩa quyết định đến vị của muối. Theo đó, muối có nhiều hợp chất của Mg2+ sẽ có vị đắng, chát khó chịu và dễ hút ẩm. Hàm lượng Mg2+ trong muối Bà Rịa truyền thống là 0,2%, thấp hơn 3,5 lần so với TCVN 9638:2013. Hàm lượng này cũng thấp hơn so với muối Ninh Thuận và Khánh Hòa lần lượt là 2,4 và 1,5 lần.

Hàm lượng SO4 trong muối quyết định màu sắc và vị của muối. Muối có hàm lượng lượng SO4 sẽ có vị chát và màu từ xám nhạt đến xám đen hoặc ánh vàng. Cùng với Mg2+ , muối có hàm lượng MgCl cao, sẽ có vị chát, hơi đắng và không có màu trắng, trắng trong hoặc trắng xám sáng. Các xét nghiệm thành phần cho thấy, muối Bà Rịa truyền thống có hàm lượng SO4 là 0,49%, thấp hơn 3,7 lần so với TCVN 9638:2013, thấp hơn 2,5 lần so với muối Khánh Hòa và 2,9 lần so với muối Ninh Thuận. Điều này giải thích vì sao, muối Bà Rịa không có vị đắng, chát. Những so sánh về mặt chỉ số thành phần các chất giữa muối Bà Rịa, muối Khánh Hòa và Ninh Thuận đã phần nào cho thấy tương quan chất lượng của muối Bà Rịa. Nhờ vị ngon đặc biệt như vậy, muối Bà Rịa đã được các nhà thùng ở Phú Quốc lựa chọn để cho ra thứ nước mắm Phú Quốc hoàn hảo nức tiếng xa gần.

Nguyễn Bình