Một số kết quả đạt được trong chuyến Học tập kinh nghiệm thực tế mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên

03/07/2023 - 13:55 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Từ ngày 08-11/6/2023, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Thái Nguyên về mô hình thực hiện hợp tác, liên kết: áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong hoạt động tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh; có sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn cho đoàn 20 người gồm cán bộ cấp tỉnh, cán bộ quản lý hợp tác xã địa phương, hợp tác xã và nông dân; Thái Nguyên sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và gần 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX), khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tính đến 31/5/2023, toàn tỉnh hiện có 530 hợp tác xã Nông nghiệp bao gồm 203 HTX trồng trọt, 73 HTX  chăn nuôi, 07 HTX lâm nghiệp, 04 HTX nuôi trồng thủy sản, 01 HTX nước sạch nông thôn và 242 HTX dịch vụ tổng hợp. Trong số đó có 105 HTX có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh như: Hệ thống tưới tiêu tự động, bán tự động, hệ thống nhà lưới, nhà màng, sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có trên 30 HTX có vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng để theo dõi và quản lý, kiểm soát tình hình sản xuất; 69 hợp tác xã với 160 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Các HTX đã ứng dụng bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee ..., sử dụng các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok để quảng bá, giới thiệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên còn có 51 cơ sở với 52 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 225 trang trại chăn nuôi đã ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; 56 trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 41 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap. Bước đầu hình thành 05 chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ, tiêu thụ sản phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm Cầu Mây; Công ty Vinatuco Việt Nam; Công ty TNHH Dũng Minh và Công ty TNHH Hương Nguyên Thịnh; Công ty Cổ phần chăn nuôi Việt Nam và Hợp tác xã gà Đông Thịnh huyện Phú Bình.

Bên cạnh đó, Đoàn được tham quan, trải nghiệm thực tế một số mô hình hợp tác, liên kết tại Hợp tác xã Miến Việt Cường (thôn Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ); hợp tác xã Chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ); làng nghề Hoa lan (xóm Trung Thần, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ). Qua đây Đoàn cũng được tìm hiểu và giao lưu chia sẻ thêm thông tin bổ ích về áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong hoạt động tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở, và trong tương lai nghiên cứu ứng dụng cho các HTX tại tỉnh nhà.

Từ những thực tiễn mà tỉnh Thái nguyên đã thực hiện thông qua công tác tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) tỉnh Thái nguyên, Đoàn công tác rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thực hiện như sau:

1. Bài học kinh nghiệm

Một là: Đổi mới phương thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu về vai trò của phát triển sản xuất (thông qua Hợp tác xã) nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Hai là: Căn cứ Nghị quyết của Đảng bộ các cấp, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, căn cơ, bài bản và phân giao cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và các tổ chức xã hội vào cuộc.

Ba là: Huy động tối đa các nguồn lực vào phát triển sản xuất, chú trọng đến thu hút lao động trẻ có trình độ, nhiệt huyết về làm việc tại Hợp tác xã như HTX Chè La Bằng của huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên đã làm rất tốt việc thu hút lao động trẻ từ thành phố về công tác lâu dài tại HTX.

Bốn là: Ứng dụng quy trình sản xuất VietGap – hữu cơ trong sản xuất: tạo chuỗi liên kết với các hộ dân và hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ liên kết; ứng dụng quy chuẩn kỹ thuật chế biến  đạt chuẩn ISO; ứng dụng truy xuất nguồn gốc; đầu tư mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú nhiều phân khúc phù hợp với các đối tượng người tiêu dùng đạt OCOP  4 sao trở lên.

Năm là: Các Hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc nhà xưởng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tranh thủ những chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước như: Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, …

Sáu là: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý HTX và bán hàng đa kênh: sử dụng phần mềm kế toán; phần mềm bán hàng; phần mềm ghi chép nhật ký sản xuất; đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử Lazada, shopee, tiktok, bán hàng qua website, facebook…giúp doanh thu của HTX và doanh nghiệp ngày càng tăng.

Lài Nguyễn – Chi cục Phát triển nông thôn