Kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

07/06/2023 - 14:42 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Thực hiện văn bản số 5268-CV/HNDTW ngày 21/3/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận một số kết quả đạt được, cụ thể như sau:

1. Đối với lĩnh vực trồng trọt

Đã hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các Hợp tác xã và bà con nông dân trên một số loại cây trồng chủ lực gồm hồ liêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả với tổng diện tích 16.241,59 ha; đã được cấp 21 mã số vùng trồng trong đó Trung Quốc: 08 mã  (01 mã nhãn, 02 mã chuối, 05 mã sầu riêng), Hoa Kỳ: 06 mã (02 mã nhãn, 04 mã bưởi), EU: 03 mã bưởi, Úc: 02 mã nhãn, Nhật: 02 mã nhãn; với tổng diện tích 684 ha, sản lượng ước 12.927,6 tấn; 07 mã đang chờ phê duyệt từ phía GACC: 04 mã bưởi ở Phú Mỹ, 01 mã nhãn, 02 mã thanh long ở Xuyên Mộc; có 02 cơ sở đóng gói chuối, tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, đi thị trường Trung Quốc; thí điểm hỗ trợ cấp mã số vùng trồng nội địa cho 30 vùng trồng chủ lực và cây trồng cung cấp thực phẩm thuộc các địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; dự kiến cấp 100-150 mã số với diện tích khoảng 200 ha; xây dựng và chuyển giao các mô hình khuyến nông như Mô hình “Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm cải thiện độ đồng đều vườn mãng cầu ta”, mô hình “Chuyển giao giống sắn mới kháng bệnh khảm lá sắn (giống HN3)”, mô hình nâng cao quản lý bệnh chết nhanh chết chậm hiệu quả trên cây hồ tiêu, mô hình thâm canh cây thanh long, mô hình thâm canh cây mít. Đến nay các mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, đã cho thu hoạch. Năng suất tăng 10 – 15% so với trước khi áp dụng mô hình. Toàn tỉnh hiện có khoảng 434 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; quy mô diện tích 5.648,11 ha, diện tích đang sản xuất 5.630,83 ha mang lại sản lượng 51.098,77 tấn/ năm; tổng diện tích sản xuất trồng trọt đạt các chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, SAN, ...) là 1.583,4 ha; tổng diện tích sản xuất trồng trọt áp dụng biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước và kết hợp điều tiết dinh dưỡng là 11.365 ha/103.789 ha (chiếm 10,95%), ứng dụng này áp dụng chủ yếu trên cây ăn quả, cây hồ tiêu, ca cao, cao su, chuối, ... giúp gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm nước, tiết kiệm nhân công từ đó tăng hiệu quả sản xuất.

2. Đối với lĩnh vực chăn nuôi thú y

Hiện nay, tổng số trại trên địa bàn tỉnh tham gia các chuỗi liên kết và hợp tác trên địa bàn tỉnh là 59 trại, gồm 29 trại heo, 23 trại gà và 7 trại vịt, đạt tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi 1.754.365 triệu đồng tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ sản phẩm liên kết năm 2022: 25,39%; số trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trên địa bàn tỉnh là 16 trang trại, gồm 12 trại heo, 3 trại vịt giống và 01 trại gà, đạt giá trị sản phẩm 1.004.574 triệu đồng tăng 23,39% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số trang trại ứng dụng công nghệ cao: 132 trang trại với tổng diện tích khoảng 515 ha; trong đó 72 cơ sở sản xuất chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng trên 10 sản phẩm phân bố chủ yếu các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Phú Mỹ; tổng cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh là 4.962, trong đó có 2.685 cơ sở áp dụng biện pháp xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả sạch, chiếm tỷ lệ 54,11%. Ngoài ra, đã triển khai thực hiện chính sách tiêm phòng miễn phí các loại vắc xin phòng bệnh cho động vật; hỗ trợ thuốc sát trùng tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh.

3. Đối với lĩnh vực thủy sản

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 21 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 419,26 ha trong đó có 19 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích là 407,26 ha, 02 công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng là Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao Việt Nam chi nhánh 1 và chi nhánh 2 tại Vũng Tàu (tổng diện tích 12 ha); giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao năm 2022: 928.750 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 41,34% giá trị nuôi trồng thủy sản; ngoài ra trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương với tổng diện tích 393 ha. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, GlobalGAP. Giá trị sản xuất sản phẩm thủy sản (nuôi trồng) được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương: 797.500 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 35,5%.

4. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Đối với cấp xã: Tính đến cuối tháng 10/2022,  toàn tỉnh có 47/47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 57,77%. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 1/17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với cấp huyện: Có 6/8 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75%. Thành phố Vũng Tàu và huyện Côn Đảo đang xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Tính đến ngày 06/04/2023, toàn tỉnh có 89 sản phẩm nông nghiệp của 43 chủ thể  đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 27 sản phẩm 3 sao, 57 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao; dự kiến năm 2023, toàn tỉnh sẽ phấn đấu thêm 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm; được giới thiệu kinh doanh trên các trang mạng thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh.

5. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp, kinh tế trang trại và ngành nghề nông thôn

Trong năm 2021-2022 đã tổ chức 11 hội nghị, tập huấn với 728 người tham dự. Ngoài ra, đã ban hành Hướng dẫn số 01/HD-SNN ngày 22/6/2021 và in ấn, cấp phát 6.000 cuốn Sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách liên kết theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND cho UBND cấp huyện, xã, Hội nông dân nhằm phổ biến cho các đối tượng thụ hưởng chính sách; cấp tỉnh và cấp huyện có Kế hoạch hỗ trợ các dự án, kế hoạch, mô hình liên kết về hạ tầng, máy móc thiết bị, đăng ký nhãn hiệu, giống, vật tư thiết yếu, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Tính đến nay, đã phê duyệt hỗ trợ 09 dự án, mô hình, kế hoạch liên kết.

Triển khai thưc hiện Nghị quyết số 03/2018 NQ-HĐND ngày 29/3/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020: Tính đến 31/12/2020, UBND các huyện Châu Đức, Long Điền, Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ đã phê duyệt hỗ trợ cho 5.257 hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với tổng số vốn 775 tỷ đồng (nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cho vay HTLS); và Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 29/3/2018 về chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản  giai đoạn 2018-2020: Tính đến 31/12/2020, các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Châu Đức, thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa đã phê duyệt cho 3.575 hộ tham gia dự án (đạt 138,4% số hộ theo kế hoạch) với tổng số tiền đầu tư các dự án là hơn 239.641.000.000 đồng. Trong đó, số tiền vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo chính sách của tỉnh là 82.925.000.000 đồng, vốn người dân đối ứng hơn 156.716.000.000 đồng. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã giải ngân được 82.925.000.000 đồng cho người dân mua máy móc, thiết bị, hệ thống tưi tiết kiệm nước, giống cây trồng, vật nuôi và thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.

Việc thực hiện chính sách cũng phản ánh được tỷ lệ vốn ngân sách trong cơ cấu vốn phát triển sản xuất chiếm 27,5%. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, ước tính tổng thu nhập tăng thêm của các hộ dân là 105.640.839.050 đồng/năm, tức thu nhập bình quân tăng thêm của 01 hộ là 34.388.294 đồng/năm, các hộ tham gia dự án đã được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, con để áp dụng vào sản xuất nhờ đó giảm được rủi ro dịch bệnh, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Việc thụ hưởng chính sách kinh tế hộ đã giúp các hộ giảm được 32% giá thành sản xuất, vì thế, hiệu quả kinh tế cũng được cải thiện rõ rệt.

Lài Nguyễn