Hướng phát triển mới trong nông nghiệp: Phát triển kinh tế vườn

10/05/2023 - 10:42 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Hiện nay, kinh tế vườn đang chiếm một vị trí quan trọng trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT ở nước ta. Tại nhiều địa phương trong cả nước, kinh tế vườn đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với người nông dân. Nếu so với trồng lúa, trồng hoa màu… thì kinh tế vườn vượt trội về mặt kỹ thuật sản xuất gắn với khoa học công nghệ, hiệu quả kinh tế và thị trường.

Theo TS. Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, với sức sáng tạo của người làm vườn Việt Nam, mô hình kinh tế VAC từng bước được cải tiến, bổ sung những nội hàm mới, tiến bộ kỹ thuật và sáng kiến mới để ngày càng hoàn thiện. Hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của kinh tế vườn và VAC ngày càng được khẳng định, góp phần không nhỏ vào những thành tựu to lớn của ngành nông nghiệp và PTNT.


Ảnh: Minh họa

Trong những năm qua, cây ăn quả là nhóm cây trồng đã có bước phát triển nhảy vọt. Trong khi diện tích lúa và cây công nghiệp hàng năm có xu hướng giảm thì diện tích cây lâu năm tăng lên, đặc biệt là cây ăn quả. Cây ăn quả được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhiều vùng chuyên canh, vựa cây ăn quả lớn phục vụ xuất khẩu, cho giá trị rất cao đã được hình thành tại nhiều khu vực trên cả nước như ở Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre), khu vực Tây Nguyên, khu vực Bắc Trung Bộ và nhất là sự chuyển biến nhảy vọt của các vựa cây ăn quả lớn tại vùng Trung du miền núi phía Bắc như Sơn La, Bắc Giang.

Tính đến hết năm 2021, diện tích cây ăn quả vùng trung du miền núi phía bắc đạt khoảng 266,7 nghìn ha, sản lượng 1.978 nghìn tấn. So với cả nước, đây là vùng cây ăn quả lớn thứ hai về diện tích và sản lượng, chỉ sau đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này có tám loại quả chủ lực như: Vải, nhãn, cam, bưởi, chuối, xoài, na và dứa phục vụ nhu cầu tại thị trường trong nước và xuất khẩu với diện tích 196,8 nghìn ha. Cùng với đó, một số cây ăn quả mới như bơ, chanh leo cũng đang được một số địa phương phát triển. Cây ăn quả đang đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân ở các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang.

Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng. Trong đó, một số địa phương khu vực trung du miền núi phía bắc đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn. Nhiều vùng cây ăn quả được cấp chỉ dẫn địa lý, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng... phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Diện tích các loại cây ăn quả có chất lượng và năng suất cao, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng loạt các giống cây ăn quả có chất lượng, sạch bệnh đã được đưa vào sản xuất, song song với các nhóm giải pháp kỹ thuật canh tác, thâm canh đồng bộ đã được triển khai tại các vùng cây ăn quả lớn của cả nước. Sản phẩm cây ăn quả không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài chinh phục những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ốtxtrâylia, Niu-di-lân….

Kinh tế vườn đã và đang trở thành hướng phát triển chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp  nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phá thế độc canh cây lương thực, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa đa dạng phục vụ tiêu dùng trong nước, chế biến, xuất khẩu và gia tăng giá trị thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu./

            Ngân Phan   Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT