Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm của Việt Nam

04/12/2023 - 10:41 | Giá cả, thông tin thị trường

Đây là vụ điều tra chống trợ cấp lần thứ 2 của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam và là vụ việc điều tra chống trợ cấp thứ 9 của Hoa Kỳ đối với Việt Nam (vụ việc lần đầu tiên được khởi xướng vào năm 2013).

Mới đây, tại công văn số 7657/BCT-PVTM, Bộ Công Thương đã thông tin chi tiết việc Hoa Kỳ nhận Đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh từ Việt Nam. Cụ thể là, ngày 25 tháng 10 năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước (trong đó có Việt Nam).

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương đã thông báo một số nội dung quan trọng đến các cơ quan hữu quan như sau:

Nguyên đơn: Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ (The American Shrimp Processors Association). Sản phẩm bị cáo buộc: Tôm nước ấm đông lạnh thuộc nhóm các mã HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29. Các nước bị điều tra: Ecuador, India, Indonesia và Việt Nam; trong đó, Việt Nam chỉ bị điều tra chống trợ cấp (do sản phẩm tôm nói trên của Việt Nam đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay).

Phạm vi trợ cấp bị cáo buộc: Nguyên đơn đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra trợ cấp đối với tôm đông lạnh và tôm tươi từ Việt Nam. Nguyên đơn cáo buộc do tôm tươi nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn đến 95% giá trị của tôm nước ấm đông lạnh, nên các trợ cấp cho các nhà cung cấp tôm tươi của Việt Nam cũng được coi là trợ cấp dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam.

Thời kỳ điều tra trợ cấp: năm 2022. Thời kỳ điều tra thiệt hại: từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023. Nội dung cáo buộc: Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh và tôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam đang nhận được một loạt các chương trình trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất tôm nội địa của Hoa Kỳ. Nguyên đơn đã cáo buộc tổng số 40 chương trình, thuộc các nhóm sau:

(1) Nhóm các chương trình cho vay và đảm bảo: Nguyên đơn cáo buộc rằng Chính phủ Việt Nam đã trợ cấp cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm thông qua một loạt các chương trình/chính sách ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); và các chương trình cho vay ưu đãi, bảo lãnh, bao thanh toán xuất khẩu với lãi suất và điều khoản ưu đãi của 04 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV) do các ngân hàng này chịu sự can thiệp của Chính phủ.

(2) Nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: gồm các chương trình ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nằm trong khu vực đặc biệt (như khu công nghiệp, khu kinh tế), các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cho các doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề ưu đãi, trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản;

(3) Nhóm các chương trình miễn các khoản phải thu: Nguyên đơn cáo buộc chương trình miễn/hoàn thuế nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp nước ngoài và trong khu công nghiệp, khu chế xuất; miễn giảm thuế nhập khẩu cho máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định, và chương trình miễn thủy lợi phí cho ngành nuôi trồng thủy sản.

(4) Nhóm các chương trình ưu đãi về đất: gồm các chương trình miễn giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng mặt nước cho các ngành được khuyến khích, cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

(5) Nhóm các chương trình tài trợ: gồm các chương trình xúc tiến xuất khẩu, các chương trình hỗ trợ đầu tư (hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng,...), chương trình trợ cấp phí bảo hiểm nông nghiệp (Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân khi xảy ra thiên tai, lũ lụt), chương trình cấp vốn cho nghiên cứu, phát triển và nuôi trồng giống mới; quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đặc biệt, Nguyên đơn cáo buộc một loạt các chương trình thuộc “Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045” bao gồm: dự án đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chương trình quốc gia về phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững, dự án phát triển thủy sản, dự án phát triển thương mại và chế biến hải sản, dự án phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy hải sản...

Về biên độ trợ cấp bị cáo buộc: Nguyên đơn không nêu rõ biên độ trợ cấp bị cáo buộc đối với Việt Nam. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: theo số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 645 triệu đô-la Mỹ sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 10% tổng thị phần xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ.

Phân tích, đánh giá sơ bộ

Đây là vụ điều tra chống trợ cấp lần thứ 2 của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam và là vụ việc điều tra chống trợ cấp thứ 9 của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Vụ việc lần đầu tiên được khởi xướng vào năm 2013, trong đó Bộ Thương mại Hoa Kỳ kết luận biên độ trợ cấp cho 02 bị đơn bắt buộc của Việt Nam lần lượt là 7,88% và 1,15%, và biên độ trợ cấp cho tất cả các nhà sản xuất khác là 4,52%. Tuy nhiên, do Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) kết luận ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ không chịu thiệt hại do tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam gây ra, nên cuối cùng vụ việc đã chấm dứt mà không có Lệnh áp thuế nào với tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Đối với nội dung cáo buộc, về cơ bản, các nhóm chương trình trợ cấp bị cáo buộc trong Đơn đề nghị điều tra hiện tại tương tự các cáo buộc trong vụ việc điều tra chống trợ cấp tôm năm 2013 cũng như các vụ việc điều tra chống trợ cấp khác của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, Nguyên đơn đã trích dẫn đến nhiều chương trình hỗ trợ mới, ban hành gần đây, đặc biệt áp dụng dành riêng cho ngành thủy sản như “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, một loạt các chương trình cáo buộc mới dựa trên Chiến lược phát triển ngành thủy sản này đã được đưa ra. Ngoài ra, Nguyên đơn cũng cáo buộc một số chương trình trợ cấp mới như: ưu đãi phí bảo hiểm nông nghiệp, miễn thủy lợi phí cho ngành thủy sản...

Mặc dù cáo buộc nhiều chương trình, tuy nhiên một số văn bản quy phạm pháp luật trích trong Đơn đề nghị điều tra đã hết hiệu lực hoặc các chương trình trợ cấp bị cáo buộc không còn tồn tại (ví dụ chương trình hỗ trợ lãi suất của NHNN theo Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2009). Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ thường hỏi các chương trình/văn bản pháp luật thay thế cho các chương trình/văn bản đã hết hiệu lực.

Đáng lưu ý, trong vụ việc này, Nguyên đơn không cáo buộc vấn đề định giá thấp tiền tệ như trong vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với lốp xe năm 2020 - một vấn đề gần đây được Hoa Kỳ bổ sung vào danh mục các chính sách có thể mang lại trợ cấp và có hiệu lực từ tháng 4 năm 2020. Trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ không đưa vấn đề này vào danh mục chương trình khởi xướng điều tra, điều này giúp giảm bớt nghĩa vụ cung cấp thông tin và chứng minh về vấn đề này cho cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Quy trình, thủ tục tiếp theo

Theo quy định của Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tạo cơ hội tham vấn với Chính phủ Việt Nam về Đơn đề nghị điều tra trước khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra quyết định khởi xướng điều tra. Đây là cơ hội để Chính phủ hai nước trao đổi thông tin về các nội dung trong Đơn đề nghị và nỗ lực tìm giải pháp xử lý vụ việc (đề nghị không khởi xướng, thu hẹp phạm vi chương trình điều tra, làm rõ nội dung và tính chất các chương trình bị cáo buộc...).

Do đó, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để nêu quan điểm và lập luận phản đối vụ việc cũng như đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong trường hợp vẫn quyết định khởi xướng vụ việc, tạo điều kiện về thủ tục tham gia, xem xét thận trọng bản đệ trình của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam để có kết luận khách quan, công bằng...

Bộ Thương mại Hoa Kỳ có 20 ngày để xem xét Đơn đề nghị điều tra và ban hành quyết định khởi xướng/hay không khởi xướng điều tra, dự kiến ngày 14 tháng 11 năm 2023. Trong một số trường hợp đặc biệt, Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể gia hạn thời gian này lên tổng số 40 ngày.

Những công việc cần triển khai

Nhằm kịp thời ứng phó với vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu các cáo buộc của Nguyên đơn trong Đơn đề nghị điều tra để chuẩn bị nội dung trả lời, giải thích và phản biện trong vụ việc này cũng như lưu ý trong quá trình xây dựng và thực thi văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực, phạm vi phụ trách; Đồng thời phối hợp xử lý vụ việc, trả lời các Bản câu hỏi dành cho Chính phủ Việt Nam do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành và tham gia thẩm tra (nếu có), trong trường hợp vụ việc được xướng.

Đặc biệt là, cử đại diện làm đầu mối phối hợp với Bộ Công Thương trong suốt quá trình xử lý vụ việc. Trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương sẽ thông báo tới đầu mối của các cơ quan. Thông tin liên hệ: Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thảo Nguyên (Nguồn Tổng cục Thủy sản)