Hiểu về chăn nuôi hữu cơ

04/12/2023 - 10:56 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Mục tiêu cụ thể của ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong giai đoạn tới thfeo Quyết định số 3605/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “...chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa; chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang chăn nuôi heo, gia cầm, trâu, bò, dê theo hướng hữu cơ, hướng tuần hoàn; đến năm 2025, đưa sản phẩm trong khu vực trang trại đạt khoảng trên 50%, đến năm 2030 đưa sản phẩm chăn nuôi trong khu vực trang trại lên khoảng trên 65% tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi. Phấn đấu nâng tỷ lệ đàn heo nuôi tập trung trang trại so với tổng đàn heo của tỉnh đạt trên 70%, đàn gia cầm đạt trên 80%...”. Như vậy, phát triển chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã được coi là định hướng phát triển của ngành chăn nuô của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay quy trình chăn nuôi hữu cơ vẫn còn rất mới lạ đối với cộng đồng, nhất là nhiều cơ sở chăn nuôi chưa hiểu rõ làm thế nào để xây dựng được trang trại của mình theo tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ. Bài viết này sẽ giới thiệu và hướng dẫn về quy trình chăn nuôi hữu cơ để người chăn nuôi nắm bắt được.

Chăn nuôi hữu cơ là gì?

Chăn nuôi hữu cơ là một phần trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nó được hiểu là việc chăn nuôi sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, đồng thời đảm bảo cho động vật có một môi trường sống thoải mái nhất và bảo vệ môi trường sinh thái.

Vậy chăn nuôi hữu cơ khác gì so với chăn nuôi thông thường? Về cơ bản, chăn nuôi hữu cơ là cho động vật được tiếp xúc với môi trường tự nhiên, ăn và chơi trên đồng cỏ. Hầu hết động vật được nuôi theo phong cách nuôi nhốt hiện đại ít khi được tiếp xúc với tự nhiên, chúng sống mà không được tận hưởng không khí trong lành và ánh sáng mặt trời, đây vốn là những nhu cầu cơ bản của mọi sinh vật. Chúng cũng có rất ít môi trường sống và thường phải chen chúc nhau trong những vị trí chật hẹp được ngăn cách bởi bức tường hay rào sắt.

Một yếu tố khác là việc lựa chọn giống vật nuôi. Chăn nuôi công nghiệp thông thường tạo ra những lứa động vật có năng suất cao và thời gian sinh trưởng cũng bị rút ngắn. Nhưng đồng thời các con vật này cũng dễ bị mắc bệnh hơn, do đó chúng cần sử dụng thuốc nhiều hơn. Thêm vào đó là môi trường sống bị giam giữ, số lượng đông và mật độ cao khiến chúng dễ bị lây nhiễm bệnh tật hơn. Ngược lại, chăn nuôi hữu cơ thì lại chọn giống vật nuôi khỏe mạnh, thích nghi với môi trường từng địa phương. Chúng được cho phép ở bên ngoài, ăn trên những đồng cỏ tươi và nhiều không gian để di chuyển. Do đó, ngăn ngừa được nhiều bệnh tật trong chăn nuôi.

Các yêu cầu trong chăn nuôi hữu cơ

Bạn đang hướng đến mô hình chăn nuôi hữu cơ, bạn nhất định phải nắm thật kỹ các yêu cầu đối với chăn nuôi hữu cơ. Vì khi bạn đã nắm được các thông tin chính về mô hình chăn nuôi này rồi thì việc chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ cũng sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

1. Khu vực chăn nuôi

Khu vực chăn nuôi hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện. Cơ sở chăn nuôi phải có diện tích chuồng trại, phải có nơi để chứa, ủ phân, chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

2. Giống vật nuôi

Việc chọn giống vật nuôi, con giống và phương pháp nhân giống phải theo những yêu cầu sau: Giống vật nuôi phải thích nghi với điều kiện địa phương và với hệ thống chăn nuôi hữu cơ, ưu tiên sử dụng các nguồn giống bản địa. Con giống phải khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh. Không có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc các vấn đề về sức khỏe liên quan đến một số giống vật nuôi như: hội chứng căng thẳng ở lợn, tự sẩy thai,…

Nên sử dụng các phương pháp sinh sản tự nhiên hơn là phương pháp thụ tinh nhân tạo. Không được dùng kỹ thuật ghép phôi và biện pháp xử lý sinh sản bằng hoóc môn. Không được dùng kỹ thuật gen trong việc nhân giống..

3. Thức ăn chăn nuôi

Trong quá trình chăn nuôi nên được cung cấp mức tối ưu 100 % thức ăn hữu cơ, kể cả thức ăn trong thời kỳ chuyển đổi. Phải sử dụng tỷ lệ thức ăn hữu cơ không ít hơn 90 % (tính theo khối lượng chất khô) đối với các loài nhai lại và không ít hơn 80 % (tính theo khối lượng chất khô) đối với các loài không nhai lại. Cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50 % lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực.

4. Quản lý sức khỏe vật nuôi

Việc phòng bệnh trong chăn nuôi hữu cơ cần dựa trên những nguyên tắc sau đây: Chọn các giống vật nuôi thích hợp. Áp dụng các biện pháp thực hành chăn nuôi phù hợp với yêu cầu của mỗi loài, tăng cường sức đề kháng và việc phòng bệnh. Dùng thức ăn hữu cơ có chất lượng tốt, kết hợp với việc cho vật nuôi thường xuyên vận động và để chúng được tiếp xúc với đồng cỏ và/hoặc khu vận động ngoài trời nhằm tăng miễn dịch tự nhiên của vật nuôi. Bảo đảm mật độ nuôi thả vật nuôi thích hợp nhằm tránh số lượng quá đông và tránh gây ra các vấn đề về sức khỏe. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như vệ sinh động vật, sử dụng vacxin, sử dụng các dịch chiết sinh học, kiểm dịch động vật nhiễm bệnh, kiểm dịch vật nuôi mới.

Việc dùng thuốc thú y trong chăn nuôi hữu cơ cần tuân theo nguyên tắc: khi xảy ra hoặc có thể xảy ra các vấn đề về sức khỏe vật nuôi hoặc dịch bệnh cụ thể, có thể sử dụng thuốc thú y, thuốc diệt kí sinh trùng hoặc tiêm phòng cho vật nuôi nếu không có cách xử lý hoặc phương thức quản lý nào khác hoặc theo quy định của pháp luật; Ưu tiên sử dụng các sản phẩm thảo dược, các nguyên tố vi lượng, các chất khoáng nêu trong Bảng B.1 và các phụ gia với mục đích dinh dưỡng nêu trong Bảng B.2 của Phụ lục B m là thuốc kháng sinh, thuốc thú y tổng hợp hóa học, trong các điều kiện thích hợp và tùy theo loài vật nuôi; Trong trường hợp phải sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc thú y tổng hợp hóa học do cán bộ thú y chỉ định thì thời gian thải hồi thuốc gấp đôi hướng dẫn của nhà sản xuất và trong mọi trường hợp tối thiểu là 48h.

5. Quản lý cơ sở chăn nuôi

Trong chăn nuôi hữu cơ, không cho phép các hoạt động gây tác động vật lý đến cơ thể vật nuôi như buộc dây chun vào đuôi, cắt đuôi, cưa răng, cắt ngắn mỏ và cưa sừng, trừ khi: Cần cắt đuôi, cưa răng, cắt ngắn mỏ, cưa sừng vật nuôi vì lý do an toàn và quyền vật nuôi. Cần thiến vật nuôi (ví dụ: lợn đực, bò đực, gà trống…) nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Có thể đánh số vật nuôi, ví dụ đánh số tai, nhưng không được dùng nhiệt. Cần cắt đuôi vật nuôi để đảm bảo sức khỏe.

Các điều kiện về môi trường và chuồng trại cần thích hợp với tập tính của vật nuôi: có đủ diện tích cho vật nuôi vận động tự do và thể hiện tập tính; các động vật sống bầy đàn được nuôi giữ theo nhóm thích hợp; phòng ngừa các hành vi bất thường, chấn thương và dịch bệnh; có sự chuẩn bị trong các trường hợp khẩn cấp như mất điện, cháy nổ, thiết bị gặp sự cố, việc cung cấp thức ăn bị gián đoạn..

6. Điều kiện về chuồng trại và cơ sở chăn nuôi

Chuồng trại cho vật nuôi phải thích hợp với điều kiện khí hậu để vật nuôi có thế tự do vận động ngoài trời (có sân chơi và mở cửa tự do để vật nuôi có thể tự do từ khu vực nuôi nhốt trong chuồng ra sân chơi).

Điều kiện nuôi giữ cần đáp ứng các nhu cầu về sinh học và tập tính của vật nuôi: thuận lợi trong việc cho ăn uống; cách nhiệt, sưởi ấm, làm mát và thông khí chuồng trại để đảm bảo tuần hoàn không khí, mức độ bụi bặm, nhiệt độ, độ ẩm tương đối và nồng độ khí thải phải giữ trong phạm vi giới hạn, không gây hại cho vật nuôi; thông gió tốt và có sự tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng tự nhiên; thời gian nuôi nhốt trong chuồng không lớn hơn 1/5 vòng đời vật nuôi và không lớn hơn 3 tháng đối với trâu bò, không lớn hơn 2 tháng đối với heo.

Khu vực vận động ngoài trời phải có đủ phương tiện chống mưa, gió, nắng, nhiệt độn quá cao, nếu có thể, tùy theo các điều kiện thời tiết ở địa phương và tùy theo giống. Mật độ vật nuôi chăn thả ngoài trời tại các đồng cỏ, bãi có và các khu vực trú ẩn tự nhiên hoặc bán tự nhiên phải đủ thấp để tránh thoái hóa đất và thực vật do bị vật nuôi gặm trụi.

7. Quản lý chất thải

Hoạt động quản lý chất thải tại các khu vực nuôi giữ, chăn thả vật nuôi và tại bãi cỏ dùng cho vật nuôi, cần thực hiện như sau: Giảm thiểu sự xuống cấp của đất và nước; Không làm ô nhiễm nguồn nước bởi nitrat và vi khuẩn gây bệnh; Có biện pháp phù hợp để phục hồi các chất dinh dưỡng trong đất; Không đốt chất thải hoặc xử lý bằng phương pháp không hữu cơ, ngoại trừ việc đốt xác vật nuôi để kiểm soát bệnh dịch.

Mọi phương tiện bảo quản, xử lý chất thải, kể cả phương tiện ủ phân phải được thiết kế, chế tạo và vận hành để phòng ngừa ô nhiễm đất/nguồn nước.

8. Hồ sơ lưu trữ

Duy trì việc ghi chép chi tiết và cập nhật hồ sơ giám sát trong quá trình chăn nuôi hữu cơ từ khâu giống, quản lý chuồng trại, chăm sóc, vận chuyển và giết mổ để kiểm soát hoạt động chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Đồng thời đây cũng được xem là bằng chứng chứng minh với cơ quan quản lý, tổ chức chứng nhận và khách hàng về việc tuân thủ theo phương pháp chăn nuôi hữu cơ. Các hồ sơ (bao gồm cả các hồ sơ liên quan đến việc sử dụng nhà thầu phụ) phải được lưu trữ trong ít nhát 05 năm.

Chứng nhận chăn nuôi hữu cơ tại Việt Nam theo TCVN 11041-3:2017 do Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và công bố. Hiện nay, chăn nuôi áp dụng theo quy trình chăn nuôi hữu cơ đang là tiêu chuẩn cao nhất.

                                                Hạnh Nguyễn- Chi cục Chăn nuôi và Thú y