Heo và gia cầm là vật nuôi chủ lực quốc gia thuộc Chương trình giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030

13/07/2023 - 14:30 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, cung cấp cho sản xuất chăn nuôi loại giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 3929/BNN-KH ngày 16/6/2023 về việc xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực quốc gia thuộc Chương trình giống theo QĐ số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020.

        Theo đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, để xác định được vật nuôi chủ lực quốc gia sẽ căn cứ theo Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Như vậy, theo quy định tại Thông tư này thì heo và gia cầm là vật nuôi chủ lực quốc gia thuộc Chương trình giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Đây cũng là định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh để thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2023 theo Quyết định số 3605/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2023, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, Heo và gia cầm là hai vật nuôi chính được tiếp tục phát triển theo hướng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Tổng đàn heo có mặt thường xuyên ở quy mô từ 400 đến 410 ngàn con (trong đó đàn heo nái từ 45 đến 50 ngàn con) và tổng đàn gia cầm có mặt thường xuyên ở quy mô 6 đến 7 triệu con; tỷ lệ tổng đàn heo và gà chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn toàn tỉnh chiếm trên 70%. Phát triển chăn nuôi thủy cầm (vịt) có mặt thường xuyên từ 1,2 đến 1,5 triệu con, trong đó trên 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp. Có 80% các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh, bao gồm thịt (heo, gà), trứng gia cầm được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.  Khoảng 90% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 60% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 20% được chế biến sâu.

Giải pháp để thực hiện được mục tiêu kế hoạch đề ra, ngành chăn nuôi của tỉnh xác định duy trì tổng đàn heo của tỉnh hiện nay, mở rộng quy mô đàn heo cao sản, áp dụng tiến bộ về giống, thức ăn, chuồng trại theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp. Nâng cao chất lượng đàn heo thịt, tăng năng suất sinh sản đàn heo nái. Tỷ lệ cơ cấu đàn heo nái ngoại, nái lai trong cơ cấu đàn heo nái đạt trên 90%; tăng tỷ lệ đàn heo trong trang trại chăn nuôi tập trung lên trên 65% so với tổng đàn heo toàn tỉnh; Chăn nuôi gia cầm: Tăng sản lượng nuôi, chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao tỷ trọng gà lông màu; tăng sản lượng một số giống vịt có năng suất cao, đặc biệt là vịt giống và vịt đẻ trứng. Tập trung chăn nuôi gia cầm công nghiệp, sử dụng thức ăn vi sinh; tăng tỷ lệ cơ cấu đàn gia cầm nuôi tập trung trong các trang trại lên trên 70% so với tổng đàn gia cầm toàn tỉnh.

                            Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh