HÃY CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI

21/03/2024 - 09:19 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Theo số liệu báo cáo của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tình hình dịch bệnh Dại đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, năm 2023 cả nước vẫn có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh Dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi); trong 02 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.

Trên địa bàn tỉnh BR-VT từ đầu năm đến nay mặc dù chưa ghi nhận ca tử vong nào do bệnh Dại trên người, tuy nhiên trên địa bàn huyện Châu Đức đã xuất hiện 01 ổ dịch Dại động vật tại thôn Trung Sơn, xã Suối Nghệ vào ngày 28/2/2024; trên địa bàn xã Long Tân huyện Đất Đỏ xuất hiện trường hợp chó nghi mắc bệnh Dại, chạy rông không rõ nguồn gốc, rất hung dữ và chạy thẳng vào nhà các hộ dân cắn người, động vật). Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã có tới 422 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm ngừa vắc xin Dại.

Bệnh Dại (Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra. Động vật sau khi nhiễm vi rút Dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tùy thuộc loài động vật, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh Dại, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.

Vi rút Dại có thể lây sang người từ động vật mắc bệnh Dại qua các vết cắn, cào, liếm, vết xước da và niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Điều đáng lưu ý là: Tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều bị tử vong.

Các biểu hiện lâm sàng bệnh Dại trên động vật thường được chia làm 02 thể là thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt). Trong thực tế, nhiều con chó mắc bệnh dại biểu hiện cả 2 thể này một cách xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt:

-     Thể dại điên cuồng: được chia làm 3 thời kỳ

+ Thời kỳ tiền lâm sàng: Chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, đến gần chủ miễn cưỡng hoặc trái lại, tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi; hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí.

+ Thời kỳ điên cuồng: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cùng nhảy lên sủa từng hồi dài. Vết thương nơi bị cắn ngứa, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu. Chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, dãn đồng tử, con vật có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được; chó bắt đầu chảy nước dãi, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt, cắn vu vơ, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng (2 - 3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người.

+ Thời kỳ bại liệt: Chó bị liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống, liệt hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, chân sau liệt ngày càng rõ; chó chết trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên, do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.

-     Thể dại câm: Là dạng bệnh không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng như thường thấy; chó chỉ có biểu hiện buồn rầu. Con vật có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau, nhưng thường là liệt cơ hàm, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra; nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng. Quá trình này tiến triển từ 2 - 3 ngày.

Để phòng chống bệnh Dại cho người và vật nuôi, người dân cần thực hiện  những vấn đề sau:

Ø  Chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại; không để chó, mèo thả rông, khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ø  Tham dự các buổi tập huấn, tuyên truyền do cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức để hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết chó mèo nghi mắc bệnh Dại và biện pháp phòng, chống bệnh Dại hữu hiệu cho vật nuôi;

Ø  Tiêm phòng vắc xin Dại đầy đủ cho chó mèo, vật nuôi mỗi năm một lần, trong đó đối với chó mèo sinh ra từ mẹ chưa được tiêm phòng thì tiêm phòng vào lúc 04 tuần tuổi và đối với chó mèo sinh ra từ mẹ đã được tiêm phòng thì tiêm vào lúc 11 tuần tuổi. Người nuôi chó phải thường xuyên xích chó hoặc nuôi nhốt chó trong nhà, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt. Nếu vi phạm căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y; Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi có hành vi sau đây:

- Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.

            - Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Ø  Không nên mua chó mèo bán rông trên đường phố hoặc không rõ nguồn gốc về nuôi vì trong thời gian qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phát hiện những trường hợp mua chó không rõ nguồn gốc, chưa tiêm phòng bệnh Dại về nuôi, từ đó phát sinh bệnh Dại trên chó mèo, đây là mối nguy cơ xảy ra bệnh Dại cho những người trong gia đình và cho cộng đồng;

Ø  Khi phát hiện chó mèo có triệu chứng bệnh Dại, phải nhốt riêng và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời nhằm khống chế, không để phát sinh và lây lan bệnh Dại trong cộng đồng;

Ø  Khi bị chó mèo, động vật khác cắn, cào hoặc liếm vào vết thương, cô bác anh chị cần thực hiện ngay:

1.   Rửa vết thương: Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên da trầy xước cần xử lý vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch để giảm lượng vi rút tại vết thương.

2.   Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương, sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70 độ, cồn I-ốt hoặc Povidone iodinine.

3.   Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn và tiêm phòng Dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, thuốc tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.

       Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y