Giải pháp quản lý hom giống cây sắn sạch bệnh

15/04/2024 - 15:54 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Hiện nay, bệnh chổi rồng (tác nhân Phytoplasma), bệnh virus khảm lá sắn (tác nhân Sri Lanka Cassava Mosaic Virus) và rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti) là ba đối tượng dịch hại rất quan trọng trên cây sắn.

Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay cây sắn đã thu hoạch xong. Sau khi thu hoạch, thân cây sắn thường được người sản xuất lựa chọn, thu gom, bảo quản để làm giống trồng cho vụ sau. Vì vậy, việc thực hiện tốt công tác lựa chọn hom giống sạch bệnh, loại trừ hom giống nhiễm bệnh chổi rồng, bệnh virus khảm lá và rệp sáp bột hồng từ giai đoạn này, giúp quản lý và hạn chế lây lan nguồn bệnh trong vụ tới là giải pháp quan trọng trong sản xuất.



Các diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch xong, việc lựa chọn hom giống sạch bệnh để chuẩn bị cho vụ tới là giải pháp quan trọng trong sản xuất


Cách nhận biết cây sắn bị nhiễm bệnh chổi rồng, bệnh virus khảm lá sắn và rệp sáp bột hồng:

- Bệnh chổi rồng: Có triệu chứng điển hình và dễ phát hiện nhất ở giai đoạn gần thu hoạch, thân cây mọc nhiều chồi ngọn và chồi thân. Lá cây bị bệnh nhỏ và thô cứng, các đốt thân ngắn lại. Trên thân và củ phần tiếp giáp với vỏ chuyển mầu thâm đen.

- Bệnh virus khảm lá sắn: Triệu chứng đặc trưng là khảm vàng loang lổ trên lá. Bị hại nặng làm lá xoăn, cong queo và nhăn nhúm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn.

- Rệp sáp bột hồng: Rệp sáp bột hồng tấn công, chích hút dinh dưỡng tại đỉnh sinh trưởng gây ra hiện tượng chùn ngọn, cây bị lùn. Trên lá, rệp sáp bám ở mặt dưới của lá và gây hại làm các lá sắn bị xoăn, biến vàng.

 Biện pháp lựa chọn và quản lý hom giống sắn:

 Những vườn sắn sau khi thu hoạch, chọn cây khỏe, không nhiễm bệnh chổi rồng, bệnh virus khảm lá sắn và rệp sáp bột hồng, cắt bỏ phần ngọn non, gốc già sau đó bó lại thành từng bó (30 - 40 cây/bó) để bảo quản.

 Trong quá trình lưu giữ, bảo quản giống, nếu phát hiện bị nhiễm bệnh chổi rồng, bệnh virus khảm lá sắn và rệp sáp bột hồng thì thu dọn toàn bộ tàn dư thân cây, gốc rễ đốt tiêu hủy, tuyệt đối không giữ thân cây bị nhiễm làm giống trồng vụ sau.

Chọn nơi thích hợp, râm mát hoặc có che nắng, dựng bó hom giống để bảo quản. Thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện có nhiễm rệp sáp bột hồng cần phải xử lý ngay bằng thuốc BVTV; để ngăn ngừa kiến làm lây nhiễm rệp sáp có thể dùng thuốc BVTV phun hoặc rải đều trên mặt đất nơi dựng hom giống.

 Nếu phát hiện nhiễm rệp sáp bột hồng phải xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật trước khi bó cây giống lại bảo quản. Một số loại thuốc bảo vệ thực vật có thể sử dụng xử lý rệp sáp có hoạt chất: Acetamiprid (Advice 3EC), Bifenazate (Bifemite 43SC), Carbosulfan (Dibafon 200SC), Carbosulfan + Chlorfluazuron (Sulfaron 250EC), Dinotefuran + Imidacloprid (Brimgold 200WP), Imidacloprid (Lion Ray 200SC)...

          Chú ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; có thể kết hợp dùng vòi phun cao áp rửa trôi rệp sáp nhiễm trên hom giống trước khi xử lý thuốc.

Xử lý hom giống trước khi trồng: Kiểm tra hom giống trước khi đem trồng, trong trường hợp hom giống bị nhiễm rệp sáp, phải xử lý bằng cách ngâm trong dung dịch nước thuốc 30 phút trước khi trồng (sử dụng một trong các loại thuốc như đã nêu ở trên); có thể kết hợp dùng vòi phun cao áp rửa trôi rệp sáp nhiễm trên hom giống trước khi xử lý thuốc.

                                                                             Thanh Hiền TTBVTV