Đề phòng lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn (heo) sang người

07/09/2023 - 15:17 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023, đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 226/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người.

Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Trong hai năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2007, có tới hơn 48 ca (22 ca ở miền Bắc, 20 ca ở miền Nam, 6 ca ở miền Trung) được chẩn đoán bị bệnh liên cầu lợn, có một số ca xét nghiệm xác định được tác nhân gây bệnh là S.suis type II. Có 3 ca trong số này đã tử vong...

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi nhận các ca mắc nhiễm liên cầu lợn ở người trong những năm gần đây. Gần đây nhất theo số liệu của CDC tỉnh, vào năm 2022 đã có 01 bệnh nhân nam sinh năm 1968, làm nghề quay heo tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ nhiễm bệnh Liên cầu lợn.

Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.

Người bị nhiễm Liên cầu lợn thường do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, bán thịt heo tươi, sống và những người nội trợ trực tiếp chế biến sản phẩm tươi, sống từ heo) hoặc sử dụng các sản phẩm từ heo như tiết canh, thịt, phủ tạng của heo ốm, chết, heo mang vi khuẩn chưa được nấu chín. Vi khuẩn xâm nhập qua các vùng tổn thương hở trên da hoặc niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua hạch bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan, phủ tạng.

Triệu chứng heo bị bệnh do liên cầu khuẩn lợn

Bệnh liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis – Str. suis) có thể thấy ở mọi lứa tuổi heo, nhưng thường gặp nhất ở heo sau cai sữa với triệu chứng đặc trưng: nhiễm khuẩn máu, xuất huyết tràn lan, viêm màng não, nội mạc tim, viêm phổi, đa khớp và chết đột ngột.

Liên cầu khuẩn heo gây thiệt hại đáng kể đến ngành chăn nuôi heo ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt có ý nghĩa rất lớn là bệnh lây từ động vật sang người khi ăn các sản phẩn tươi sống từ lợn bệnh hay giết mổ, tiếp xúc lợn bệnh. Bệnh nặng, sốc, nhiễm khuẩn máu, suy đa tạng, viêm màng não, xuất huyết tràn lan, viêm cơ tim, phổi, khớp, tử vong cao. Str. suis, serotype-2 là chủng gây bệnh chết người.

Tùy ở chủng, độc lực của vi khuẩn gây bệnh và tuổi heo hay bệnh kế nhiễm mà biểu hiện các triệu chứng lâm sàng cùng biến đổi bệnh lý khác nhau. Heo ốm sốt cao 42,50 C, chết nhanh do suy truỵ tim, trụy mạch. Nhiễm khuẩn máu gây tổn thương hầu hết các lục phủ ngũ tạng: viêm niêm mạc, màng thanh mạc, nội mạc, cơ tim, phổi, gan, thận, não và xuất huyết tràn lan. Heo chết nhanh, thậm chí chưa biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Những heo bị nhiễm trùng máu thường chết nhanh, đột ngột, có khi chưa xuất hiện triệu chứng. Heo viêm màng não với triệu chứng thần kinh, nằm nghiêng, chân đạp bơi, loạng choạng, co giật, mắt trợn ngược rồi chết sau khoảng 4 giờ. Nếu viêm đa khớp thì các khớp sưng đỏ, nóng, đi khập khiễng. Triệu chứng hô hấp thường thấy là viêm phổi phế nặng.

Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn nhiều, chủ yếu do ăn tiết canh hay nem chạo, lòng tươi từ heo bệnh. Theo bộ Y tế, ở nước ta trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn. Bệnh có thể truyền lây qua vết thương ở da khi tiếp xúc với máu, dịch tiết, giết mổ….

Khuyến cáo mọi người tuyệt đối không ăn tết canh, các sản phẩm từ heo chưa được nấu chín, nhất là heo ốm. Áp dụng các biện pháp an toàn lao động, đeo găng tay, khẩu trang khi chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.

Khi sốt cao, xuất hiện xuất huyết dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở… nghi ngờ bị nhiễm liên cầu, cần sớm đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

                                                  Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y