Chủ động ứng phó mưa, bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản năm 2020

11/08/2020 - 08:12 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, nắng nóng, mưa, bão kéo dài và không theo quy luật. Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của nắng nóng, mưa bão, lũ; giúp ổn định và duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thuỷ sản. Ngày 03/8/2020 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 2228/SNN-NVTH về việc chủ động ứng phó mưa, bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản năm 2020. Để Chủ động ứng phó mưa, bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản năm 2020 các hộ nuôi trồng thủy sản cần phải triển khai và lưu ý các nội dung sau:

Chủ động các biện pháp làm giảm tác động của nắng nóng trong ao nuôi: Giữ mức nước ao từ 1,5-2m. Thường xuyên quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ nước, đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan phù hợp với sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi, nhất là vào sáng sớm và chiều tối; Thường xuyên giám sát môi trường, quan sát hoạt động của thủy sản nuôi. Khi có dấu hiệu bất thường, có ngay các biện pháp như bổ sung nước, tăng cường oxy cho ao nuôi; Có chế độ cho ăn phù hợp. Bổ sung thêm vitamin vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Chủ động điều chỉnh khẩu phần ăn khi nhiệt độ nước tăng cao (>35oC)


Trước khi có mưa bão: Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; Nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn; phát quang cành cây quanh bờ ao; Bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển). Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài; Chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu (lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, thuyền, phao cứu sinh…) cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn khi có tình huống xấu xảy ra; Đặt lưới chắn xung quanh bờ (độ cao 40-50cm, ghim sâu 20-30cm dưới mặt đất) nhằm giảm thất thoát gây thiệt hại sản xuất khi mưa lũ kéo dài; Chủ động gia cố nhà cửa, trang trại đảm bảo an toàn khi có mưa, bão; sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn đảm bảo không có thiệt hại về người.

Biện pháp khắc phục sau mưa bão: Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành  chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao; Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới  hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp (nếu cần thiết); Bổ sung vitamin hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; Sử dụng thuốc, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm); Nếu có thuỷ sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về quán triệt đến các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống thiên tai; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, công điện số 03/CĐ-TWPCTT ngày 5/7/2020 về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu qả mưa lũ của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; bản tin thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.

Đức Thành