Các chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi - điều kiện cần để chăn nuôi phát triển

05/01/2024 - 08:43 | Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã giúp nông dân có điều kiện chuyển đổi phương án từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, tham gia chuỗi liên kết.

Áp dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả cao

Nhờ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhiều mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống đã được chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ chăn nuôi cũng đã đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trang trại nuôi gà của gia đình ông Đỗ Văn Tam (huyện Châu Đức) là một trong những trang trại gà đầu tiên của tỉnh sử dụng men Balasa N01 làm đệm lót sinh học để xử lý phân.

Ông Đỗ Văn Tam cho biết, trước đây chưa sử dụng đệm lót, trại gà thường phát sinh mùi hôi từ chất thải và phân gà gây mất vệ sinh môi trường. Để bảo đảm chuồng trại luôn sạch, cứ 2 ngày ông phải làm vệ sinh chuồng một lần, thay trấu mới, phun thuốc sát trùng. Chi phí cho việc dọn dẹp, thay mới trấu, thuốc sát trùng lên đến vài chục triệu đồng nhưng mùi hôi từ phân gà vẫn không khắc phục được.

Từ ngày ứng dụng đệm lót trong chăn nuôi gà, tình trạng này đã được giải quyết. “Để triển khai mô hình, tôi đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để đầu tư chăn nuôi an toàn, gà cũng ít bị bệnh hơn nên tỷ lệ hao hụt giảm”, ông Đỗ Văn Tam nói. 

Ngoài hỗ trợ vốn, kỹ thuật, việc hỗ trợ con giống cũng đang phát huy hiệu quả cho các hộ chăn nuôi. Con giống sạch bệnh khi nuôi sẽ cho tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh tốt. Vì vậy, lựa chọn con giống tốt sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh và đảm bảo được năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.

Hỗ trợ gắn với khuyến khích liên kết

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, thời gian qua ngành đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi như: nguồn vốn vay ưu đãi, rà soát, nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tham gia các tổ hợp tác, HTX… nhằm tạo ra sản phẩm năng suất chất lượng. Trước đây, các chính sách hỗ cho ngành chăn nuôi chủ yếu hỗ trợ về khoa học kỹ thuật thì nay các chính sách đã hướng vào việc khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết để tạo ra giá trị gia tăng trong chăn nuôi.

Theo Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như: liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1943/QD-UBND phê duyệt dự án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong dự án này có nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết cho chủ trì liên kết; hỗ trợ người chăn nuôi ghi chép nhật ký hàng hóa, sản xuất, tiêu thụ và giống, vật tư…

Để được hưởng các chính sách này, các hộ chăn nuôi phải tham gia vào tổ hợp tác, HTX và có đơn vị chủ trì để tạo chuỗi liên kết từ khâu đầu vào, đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ… Cụ thể, theo quy định của Nghị quyết 21, các đối tượng được hỗ trợ gồm: nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác (sau đây gọi chung là nông dân); cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký kinh doanh; HTX, liên hiệp HTX; DN…

Thảo Nguyên (Nguồn Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)