BÀ RỊA – VŨNG TÀU: HƯỚNG DẪN KHUNG LỊCH MÙA VỤ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NĂM 2022

07/01/2022 - 10:31 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Ngày 04/01/2021 Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Công văn số 14/SNN-CCTS về việc hướng dẫn khung lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Theo đó, để phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu về nuôi trồng thủy sản đề ra trong năm 2022, Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với các ngành và địa phương liên quan xây dựng khung lịch mùa vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cụ thể như sau:

1.     Hướng dẫn khung lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2022

- Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: Sang đến đầu năm 2022 nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiểu năm và trong trạng thái pha lạnh. Nhiều khả năng trong tháng 01/2022 vẫn còn xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ. Tháng 01/2022, nhiệt độ trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoàng 0,5°C; từ tháng 02-6/2022, nhiệt độ trên cả nước phổ biến xấp xỉ TBNN; riêng tháng 6/2022 khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ phổ biến cao hơn 0,5°C so với TBNN. Các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn từ nữa cuối tháng 01 đến tháng 02 năm 2022 với thời gian không kéo dài.

Theo đó thời gian thả nuôi các loại thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu như sau:

TT

Đối tượng nuôi

Hình thức nuôi

Mật độ thả

(con/m2)

Thời gian thả giống

1

Tôm sú

TC

15 – 30

Từ tháng 1 – 8

BTC

10 – 15

2

Tôm thẻ chân trắng

TC

≥ 60

3

Cá nuôi lồng bè

TC, BTC

Mật độ thả nuôi: tính theo trọng lượng vật nuôi, tối đa là 15 kg/m3 tùy theo loài.

Từ  tháng 1 đến tháng 10

- Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản theo mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi: Các cơ sở nuôi ứng dụng công nghệ cao, cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh thì có thể thả giống quanh năm; nhưng yêu cầu các cơ sở phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

2. Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình nuôi:

- Khuyến cáo cơ sở, hộ dân nuôi tôm nước lợ sử dụng con giống cỡ lớn qua ương dưỡng; áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, tuần hoàn, ít thay nước...

- Đối với vùng nuôi tập trung nên thả giống chia đều khoảng cách hợp lý để tránh sốt giá con giống và không nên thả giống cách nhau khoảng thời gian quá dài để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh trong vùng.

- Các tháng 3,4,5/2022 dự báo cao điểm của nắng, nóng, xâm nhập mặn: Để tránh thiệt hại cho người nuôi tôm khuyến cáo các vùng/cơ sở nuôi tôm không chủ động được nguồn nước, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo không nên thả nuôi.

- Thường xuyên theo dõi tin nhắn (SMS) qua điện thoại về kết quả quan trắc cảnh báo môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản để chủ động trong công tác quản lý môi trường nước nuôi.

- Chỉ sử dụng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thuỷ sản và các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

  - Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt tạp, giáp xác trong nuôi trồng thủy sản; chấp hành nghiêm thời hạn ngưng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Nâng cao ý thức sản xuất vì cộng đồng, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; thủy sản chết và chất thải của ao bị bệnh phải thu gom, xử lý kịp thời. Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh (tránh dùng chung); không được thải nước từ ao nuôi ra kênh cấp nước của vùng nuôi và thải nước chưa xử lý ra môi trường tự nhiên.

- Nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để ổn định môi trường nước và xử lý sạch nền đáy ao nuôi; thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để đề phòng bão, lũ lụt, triều cường có thể xảy ra; chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu và lệnh di tản khi có thiên tai.

- Đối với các cơ sở nuôi thủy sản lồng, bè (trên sông Chà Và, sông Dinh thuộc địa bàn thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa và sông Mỏ Nhát thuộc địa bàn thị xã Phú Mỹ) cần chú ý theo dõi đến chất lượng nguồn nước và các hoạt động của thủy sản nuôi khi có dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý:

+ Tiến hành thu tỉa khi thuỷ sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.

+ Tăng cường cung cấp ôxy cho thủy sản nuôi bằng các biện pháp có thể, nhất là vào thời điểm con nước đứng, nước ròng. Đặc biệt nên chú ý vào lúc nửa đêm trở về sáng, vì thời điểm này hàm lượng ôxy trong nước giảm thấp nhất trong ngày, có thể dẫn đến cá chết hàng loạt.

 + Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ lưới, lồng nuôi nhằm tăng cường sự lưu thông, thông thoáng nước giữa các lồng nuôi với môi trường bên ngoài. Chỉ cho cá ăn vừa đủ, cần bổ sung thêm vào thức ăn các loại vitamin, khoáng chất để giúp cá tăng cường sức đề kháng và phục hồi sức khỏe.

Nguyễn Bình