Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đi Úc tăng liên tục nhờ CPTPP
09/04/2024 - 10:06 | Giá cả, thông tin thị trường
Thương
mại thủy sản giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ
Sáng
7/3 vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm chính thức Úc và nâng cấp
quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện. Việc nâng cấp mối quan hệ 2
nước đã mở ra cơ hội lớn về hợp tác, phát triển, đầu tư, trong đó có lĩnh vực
thủy sản. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Úc là đối tác thương mại lớn thứ 10
của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ở chiều
ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc (đứng thứ 10 về
xuất khẩu và nhập khẩu với Úc). Riêng lĩnh vực thủy sản, Úc là thị trường nhập
khẩu thủy sản lớn thứ 5, chiếm 3,4% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam,
và Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Úc, chiếm 23% nhập khẩu thủy
sản của Úc năm 2022.
Sau
khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản
của Việt Nam nhập khẩu vào Úc đều được hưởng mức thuế suất 0%. Nhờ đó, xuất
khẩu thủy sản của Việt Nam sang Úc tăng trưởng liên tục từ 197 triệu USD năm
2018 lên 365 triệu USD năm 2022. Trong bối cảnh sụt giảm chung của thế giới,
kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này xuống mức 312 triệu USD năm
2023.
Riêng
trong tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản sang Úc bứt phá mạnh mẽ với mức tăng gần
90% so với cùng kỳ, đã phản ánh được sức hút của thị trường này với doanh
nghiệp Việt Nam cũng như sự hồi phục nhu cầu của thị trường với thủy sản Việt
Nam. Tính trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Úc đạt 56,7 triệu
USD, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm,
cá tra và một số loài cá biển là nhóm ngành hàng chủ lực xuất khẩu sang thị
trường Úc. Trong đó, tôm chiếm trên 60% với kim ngạch trên 34 triệu USD trong 2
tháng đầu năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra sang Úc
tăng gần 70% trong 2 tháng, đạt hơn 6 triệu USD, xuất khẩu các mặt hàng cá biển
khác (trừ cá ngừ) tăng mạnh 72%.
Thị
trường còn rất lớn cho thủy sản Việt Nam
Ngoài
hiệp định CPTPP, Việt Nam và Úc còn là thành viên chung của ít nhất 3 hiệp định
thương mại tự do (FTA), bao gồm: FTA ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA), CPTPP
và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Mặc dù
quy mô dân Úc số khá nhỏ, chỉ 25,7 triệu dân nhưng đây là thị trường tiềm năng
bởi người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm chất lượng dù giá cao và cởi
mở với hàng hóa nhập khẩu.
Theo
bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản
(VASEP), Úc là thị trường tiềm năng do hơn 65% tiêu thụ thủy sản trong nước là
từ nguồn nhập khẩu. Thị trường này nhập khẩu thủy sản từ hơn 95 nước trên thế
giới. Trong đó, Việt Nam đang là nguồn cung cấp thủy sản lớn nhất tại Úc.
Với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, cộng với lợi thế về các tuyến vận tải thương mại bằng đường thủy tới Úc gần hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Úc đang là thị trường có dư địa tốt cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Cùng mối quan hệ hợp tác tốt và sự quan tâm tích cực của chính phủ 2 nước cho hoạt động thương mại, trong đó có giao thương thủy sản.
Xuất
khẩu thủy sản sang Úc liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2018 – 2023 (VASEP)
Tập
trung vào các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao
Trong
cơ cấu sản phẩm tôm của Việt Nam xuất sang Úc, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng
lớn nhất 95%; tôm sú chiếm tỷ trọng không đáng kể 0,2%; còn lại là tôm loại
khác chiếm 4,8%. Trong đó tôm chế biết sâu xuất khẩu sang Úc chiếm tỉ lệ cao,
tôm chế biến giá trị gia tăng (mã HS 16) chiếm tới 40% tổng giá trị xuất khẩu
các sản phẩm tôm sang thị trường này. Các sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu chủ
yếu là há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh,
tôm thẻ xiên que đông lạnh,…
Đại
diện Hiệp hội VASEP nhận định, dù chỉ là thị tường tiêu thụ tôm đứng thứ 5 của
Việt Nam nhưng Úc được coi là thị trường tiềm năng, đặc biệt là khi nhu cầu
tiêu thụ sản phẩm chế biến sâu của thị trường này ngày một cao. Để đáp ưng,
trình độ các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam vẫn đang không ngừng phát
triển, mặt hàng chế biến sẽ ngày càng đa dạng, phong phú.
Được
biết, trong quý II/2024, Thương vụ Việt Nam tại Úc sẽ triển khai các hoạt động
xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế của các
Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu vào Úc.
Tuy
có nhiều điểm thuận lợi song Úc cũng là một trong các thị trường khó tính khó
tính nhất thế giới, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Thị
trường này có nhiều hệ thống quy định, tiêu chuẩn chặt chẽ và nghiêm ngặt đối
với hàng hóa nhập khẩu. Thương vụ Việt Nam tại Úc khuyến nghị để đảm bảo xuất
khẩu thủy sản vào quốc gia này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều
quy chuẩn, quy định riêng của Úc. Cụ thể như thủy sản nhập khẩu vào Úc cần phải
đảm bảo yêu cầu về nhãn mác, tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học, tuân thủ
các quy định về an toàn sinh học trong đạo luật An toàn sinh học 2015. Đồng
thời, mặt hàng thủy sản phải cũng phải đảm bảo về an toàn thực phẩm theo Luật Kiểm
soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992 và bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm của Úc – New
Zealand.
Do
đó, để phát triển thị trường thủy sản Úc, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc đề
nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp
trong việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa
nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ; xây dựng, phát
triển và kiểm soát chất lượng, vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá
cấp mã vùng nuôi, cơ sở bao gói, sơ chế, chế biến; thúc đẩy chuyển đổi số trong
sản xuất, thương mại nông sản.
Doanh
nghiệp phải có sự chủ động trong khai thác, phát triển thị trường, có kế hoạch
kinh doanh dài hơi, nâng cao chất lượng hàng hóa một cách bền vững, đáp ứng đầy
đủ các điều kiện nhập khẩu khắt khe. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tập
trung đầu tư gia tăng tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến, nâng cao chất
lượng cho các mặt hàng thủy sản để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sang thị
trường Úc.
Thúy
Nga (Nguồn Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)