Xuất khẩu thịt heo của Việt Nam còn nhiều khó khăn

16/09/2022 - 15:59 | Giá cả, thông tin thị trường

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 đầu năm 2022 xuất khẩu thịt heo của Việt Nam tăng 344% về lượng và tăng 104% về giá trị so với tháng 7/2021 với việc xuất khẩu 10.000 tấn thịt heo, trị giá gần 42 triệu USD, giảm 4,5% về lượng so với năm 2021. Sản phẩm thịt heo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là heo sữa nguyên con đông lạnh và heo nguyên con (cỡ nhỏ) đông lạnh. Đích đến chính là thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 50,2%, kế đến là Thái Lan, Bỉ, Trung Quốc, Pháp và Thị trường khác.

Năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên có doanh nghiệp (DN) đầu tư khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ đến xuất khẩu thịt gà chính ngạch sang Nhật Bản. Đó cũng là lúc “giấc mơ” xuất khẩu thịt heo được không ít nhà chăn nuôi ấp ủ, lên kế hoạch. Vào tháng 6 năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có doanh nghiệp xuất khẩu thịt heo sống (dạng xẻ mảnh và cấp đông) sang Myanmar và xuất theo đường chính ngạch đã mở ra một hướng đi đầy triển vọng cho ngành chăn nuôi heo nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Thế nhưng từ số liệu của Bộ NN-PTNT đến thực tế của các doanh nghiệp đều cho thấy có rất nhiều trở ngại. Cái khó lớn nhất chính là chi phí sản xuất của Việt Nam quá cao, không thể cạnh tranh với thịt từ các nguồn cung khác.

Năm 2019, giá thành chăn nuôi bình quân của Việt Nam khoảng 50.000 đồng/kg (các trang trại lớn tự chủ được nhiều khâu giá thành khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg) trong khi giá thành chăn nuôi heo tại châu Âu chỉ khoảng 35.000 đồng/kg; châu Mỹ (Mỹ, Brazil) chưa tới 25.000 đồng/kg. Nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc thì giá thành của Việt Nam cũng cao hơn. Hiện nay do, chi phí đầu vào tăng cao, giá thành chăn nuôi bình quân lên tới 55.000 - 56.000 đồng/kg. Có được mức giá cạnh tranh vì các cường quốc về chăn nuôi như Mỹ và Brazil vẫn nắm lợi thế trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Còn ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tới 80% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu với hai sản phẩm chính là bắp và đậu nành, chiếm từ 65 - 70% cơ cấu thành phần.

Bên cạnh giá thành sản xuất, việc xuất khẩu sản phẩm thịt heo còn đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe khác. Cụ thể như heo đông lạnh phải được nuôi, giết mổ trong chuỗi khép kín. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư và đáp ứng được các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, một tiêu chuẩn khác mà bản thân doanh nghiệp khó đáp ứng là trang trại phải được đặt trong khu vực an toàn dịch bệnh và được Tổ chức Thú y quốc tế (OIE) công nhận. Điều này dẫn đến khó khăn cho các trang trại vì các trang trại của công ty đều đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, nhưng những trang trại nhỏ lẻ xung quanh không đạt tiêu chuẩn khiến công ty bị ảnh hưởng. Về lâu dài cần có nhiều cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn chăn nuôi chuyên nghiệp như quy hoạch vùng nuôi để nâng dần tỷ trọng nhóm này lên và giải bài toán vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đây cũng là yêu cầu chung của nhiều doanh nghiệp khác trong ngành.

Xuất khẩu theo con đường chính ngạch sang Trung Quốc

          Mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch đã đạt kim ngạch lớn, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch heo và thịt heo sang Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra, một thị trường tiềm năng lớn như vậy vì sao chăn nuôi Việt Nam lại chưa thành công?

          Ai cũng biết, giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ ký kết chính thức nào về xuất nhập khẩu hàng hóa là động vật hoặc có nguồn gốc động vật. Do vậy, từ trước đến nay, xuất khẩu heo của Việt Nam sang Trung Quốc hoàn toàn qua đường tiểu ngạch.

          Năm ngoái, sau khi đoàn công tác của Bộ NN&PTNT sang làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bàn về việc xuất khẩu chính ngạch thịt heo Việt Nam sang thị trường này, nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc đã có chủ trương đồng ý mở cửa cho heo Việt Nam. Về thủ tục, nước bạn yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Việt Nam sớm rà soát và xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan tới quản lý, kiểm soát dịch bệnh để phía Trung Quốc có căn cứ dỡ bỏ lệnh cấm. Sau đó, hai bên sẽ từng bước có những buổi tiếp xúc, đàm phán cụ thể hơn để tiến tới ký kết xuất khẩu chính ngạch. Vậy nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn nằm trong tiềm năng.

          Các doanh nghiệp muốn xuất heo theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản sau đây

          Yêu cầu về kỹ thuật: Thịt heo cắt lạnh đông xuất khẩu phải sản xuất theo đúng qui trình công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

          Nguyên liệu: Thịt heo cắt lạnh đông được chế biến từ lợn thịt, nhiều máu ngoại, lợn ngoại, có độ tuổi từ 6 đến 8 tháng, khối lượng hơi phải đạt từ 80 – 110 kg và đạt yêu cầu vệ sinh thú y theo qui định của Pháp lệnh Thú Y. Không sử dụng những con heo bị bệnh ngoài da, dị dạng, bầm dập, gẫy chân. Việc vận chuyển heo phải đảm bảo vệ sinh thú y, nhẹ nhàng. Xe vận chuyển lợn phải thoáng mát. Không vận chuyển lợn vào thời gian nắng nóng. Chuồng nhốt heo chờ giết mổ phải thoáng mát, nền chuồng không trơn, đảm bảo vệ sinh thú y. Không nhốt lợn quá mật độ qui định. Heo trước khi đưa vào giết mổ phải nghỉ ngơi, nhịn ăn 24 giờ, cho uống nước  sạch hoặc nước muối (NaCl) nồng độ 1% và phải được tắm sạch.

          Bán thành phẩm (heo mảnh nửa con): heo mảnh nửa con dùng để chế biến thịt heo cắt lạnh đông phải đảm bảo các yêu cầu sau:

          Đầu được cắt bỏ ngang đốt sống cổ số một (đốt Atlas), không có cẳng chân, đuôi,  lá mỡ, nội tạng; Mảnh được xẻ dọc chính giữa xương sống, để nguyên cơ hoành và thăn nội; Sạch lông, không bầm dập, tụ máu và có tạp chất lạ; Khối lượng tịnh mỗi mảnh không nhỏ hơn 25kg; heo mảnh ở dạng tươi hoặc được làm mát ở nhiệt độ  0°C – 4°C, thời gian không quá 48 giờ; Không sử dụng thịt heo mảnh đã qua lạnh đông.

          Yêu cầu về thành phẩm: Từ mảnh nửa con ở được phân làm ba phần. Mỗi phần được xác định như sau: Phần trước: Từ đốt sống cổ số một đến đốt sống giữa xương sườn số 4 và số 5 theo đường cắt vuông góc với đường sống lưng. Phần giữa: Tiếp giáp phần trước đến giáp với đường cắt vuông góc với đốt xương sống cùng theo chiều dài thân thịt. Phần sau: Là phần còn lại và kèm theo thăn nội (thăn chuột). Từ mỗi phần thịt được pha lọc bỏ xương, da, bớt mỡ hoặc không bỏ xương, da, mỡ thu được các dạng sản phẩm thịt xuất khẩu như sau:

          Phần trước thu được: Thịt cổ vai (Thịt vai), Thịt đùi trước

          Phần giữa thu được: Thịt thăn, Thịt bụng (thịt ba chỉ)

          Phần sau thu được: Thịt đùi sau  (thịt mông)

          Yêu cầu về cách đóng gói:

          Bao bì: Màng mỏng  PE  (pôlyêtylen) và bao PP (pôlyprôpylen). Thùng carton và đai nẹp nhựa thực hiện theo quy định.

          Đóng gói: Mỗi mảnh thịt được gói kín, gọn, đẹp trong màng mỏng PE. Các gói thịt cùng loại sau khi đã được cấp đông, đóng trong túi PE, đựng trong thùng carton hoặc bao PP. Trong mỗi thùng carton hoặc bao PP phải có dấu kiểm soát giết mổ của Thú y. Khối lượng tịnh của thịt lợn cắt trong mỗi thùng carton hoặc mỗi bao PP theo sự thỏa thuận giữ người mua và người bán. Thùng carton phải đai nẹp chắc chắn bằng hai đai ngang và hai đai dọc, bao PP được khâu kín đảm bảo chắc chắn trong quá trình vận tải.

          Yêu cầu về cách ghi nhãn: Nhãn hiệu trên bao bì phải rõ ràng, không phai, nhoè, bằng loại mực có độ bám dính tốt ở nhiệt độ -18°C đến -22°C và không có mùi làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

          Yêu cầu về cách bảo quản:

          Thịt lợn cắt lạnh đông được bảo quản trong kho lạnh chuyên dùng, không có mùi lạ và bảo đảm vệ sinh để chứa hàng thực phẩm. Nhiệt độ của kho lạnh trong khi bảo quản thịt lợn cắt phải đạt từ  – 18°C đến  – 22°C

          Hàng xếp trong kho phải có bục kê cách mặt sàn kho 0,3m, cách tường 0,5m, cách dàn lạnh 0,5m, cách trần 0,7m, có hàng lối để không khí lạnh lưu thông và tiếp xúc đều với sản phẩm

          Thời gian bảo quản thịt lợn cắt lạnh đông không quá 18 tháng kể từ ngày sản xuất.

          Yêu cầu về phương tiện vận tải:

          Thịt lợn cắt lạnh đông phải được vận tải bằng xe lạnh, container lạnh hoặc tàu lạnh chuyên dùng. Phương tiện vận tải không được có mùi lạ và bảo đảm vệ sinh chứa hàng thực phẩm.

          Nhiệt độ phòng lạnh của xe, container lạnh, hầm lạnh của tàu trong quá trình vận tải mặt hàng thịt lợn cắt phải đạt từ  – 18°C  đến  – 22°C.

Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y