Xuất khẩu rau, quả ước đạt hơn 700 triệu USD
06/09/2024 - 15:51 | Giá cả, thông tin thị trường
Trong 8 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là thị
trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93
tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp
đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 223,5 triệu USD và
223 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm lần lượt 4,88%
và 4,87% về thị phần.
Theo thống kê của Hiệp hội rau, quả Việt Nam, cả
nước hiện có hơn 150 doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công
suất thiết kế 1 triệu tấn nguyên liệu/năm, song con số này mới chỉ chiếm hơn
10% số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hằng năm. Thời điểm hiện tại, ngành hàng
xuất khẩu rau, quả cần được đầu tư mạnh mẽ về nguồn vốn để tăng cường chế biến
sâu, đa dạng sản phẩm, qua đó thúc đẩy cạnh tranh xuất khẩu.
Chia sẻ với báo chí, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau
quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: 7 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu
riêng các loại đạt 476,13 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 50,5% về
lượng và tăng 49,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
“Ngày 19-8, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất
khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở rộng cánh cửa cho sầu riêng nói
riêng và ngành hàng rau, quả xuất khẩu nói chung. Các sản phẩm mới như sầu
riêng xay nhuyễn, cơm sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sẽ tạo ra giá trị gia
tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Với Nghị định thư mới này, dự báo kim ngạch
xuất khẩu sầu riêng năm nay đạt từ 3 đến 3,5 tỷ USD, với sầu riêng đông lạnh
khoảng 400-500 triệu USD”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm.
Cũng như sầu riêng, dừa tươi là mặt hàng được
xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội bứt phá trong
năm nay và những năm tới. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đứng thứ bảy về sản xuất
dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ
yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa
Việt Nam, thì đây là cơ hội cho các địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu
Long. Dự kiến, trong năm nay, xuất khẩu dừa tươi đạt hơn 1 tỷ USD.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng
Đức Tiến nhận định, các nghị định thư mới giữa Việt Nam và Trung Quốc đang mở
rộng cánh cửa cho xuất khẩu trái cây Việt Nam. Dự kiến, xuất khẩu rau, quả
trong năm 2024 sẽ chạm mốc 7 tỷ USD (riêng trái cây chiếm tới gần 90% giá trị).
Nếu mọi sự như kỳ vọng, đây sẽ là một dấu ấn của ngành hàng này trong nhiều năm
trở lại đây.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho
biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của rau, quả Việt Nam. Tính
riêng 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau, quả sang thị trường này đã đạt trên 2,5
tỷ USD, chiếm tới 64% thị phần. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với giá trị xuất
khẩu lần lượt đạt 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%, chiếm 4,88% và 4,87%
về thị phần.
Để duy trì tăng trưởng, theo Thứ trưởng Phùng
Đức Tiến, ngành hàng rau, quả cần chủ động vùng sản xuất, bảo đảm chất lượng
sản phẩm, đáp ứng yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu.
Thảo Nguyên (Tạp chí Hữu cơ Việt Nam)