Xuất khẩu rau quả: Nhìn từ sự sụt giảm của sầu riêng
18/04/2025 - 14:00 | Giá cả, thông tin thị trường
Xuất khẩu rau quả giảm hơn 11%
Hiệp hội Rau quả
Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I/2025 đạt 1,14 tỷ
USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, giá trị xuất khẩu
ước đạt 450 triệu USD, nhưng không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm trong hai tháng
đầu năm.
Sầu riêng từng là
mặt hàng chủ lực, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm
gần đây. Năm 2024, sầu riêng đạt kim ngạch xuất khẩu 2,85 tỷ USD, chiếm 46% tổng
kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Tuy nhiên, trong
hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng giảm tới 70% so với cùng kỳ năm
2024, khiến kim ngạch mặt hàng này tụt xuống thấp hơn cả chuối và thanh long.
Ông Đặng Phúc
Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, sự sụt giảm kim ngạch
xuất khẩu sầu riêng là yếu tố chính tác động tiêu cực đến ngành rau quả. Ông
Nguyên cho biết, Trung Quốc đang kiểm tra 100% các lô hàng sầu riêng từ Việt
Nam, tương tự như với Thái Lan. Điều này dẫn đến tình trạng hàng hóa phải chờ
lâu tại cửa khẩu, gây hư hỏng và xuống cấp chất lượng.
Để phát triển
ngành sầu riêng bền vững, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh cần kiểm soát chất lượng
ngay từ khâu sản xuất. Cụ thể, các nhà vườn cần kiểm tra mẫu sầu riêng trước
khi thu hoạch 10-15 ngày để đảm bảo không có dư lượng cadimi hay chất vàng O –
hai yếu tố thường bị Trung Quốc kiểm tra nghiêm ngặt. Đối với vàng O, việc kiểm
soát dễ hơn vì chất này thường được sử dụng trong khâu sơ chế để làm đẹp quả.
Khi thị trường nhập khẩu siết chặt kiểm soát, các cơ sở sơ chế sẽ buộc phải từ
bỏ thói quen này.
Tuy nhiên, với
cadimi, vấn đề phức tạp hơn vì liên quan đến chất lượng đất trồng. Ông Nguyên
khuyến nghị các nhà vườn chủ động kiểm tra đất để xử lý nếu phát hiện nhiễm
cadimi. Việc kiểm soát chặt từ nguồn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lô hàng bị nhiễm
cadimi lẫn vào các lô hàng đạt chuẩn, đồng thời xây dựng hình ảnh kinh doanh
minh bạch, bài bản với phía Trung Quốc. Điều này có thể thuyết phục Trung Quốc
giảm tỷ lệ kiểm tra cadimi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu sầu
riêng.
Kỳ vọng vào ớt và
chanh leo
Hiện nay Trung Quốc
vẫn là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm 44,5% tỷ trọng giá trị
xuất khẩu, tiếp theo là Hoa Kỳ (9,6%) và Hàn Quốc (6%). Tuy nhiên, trong hai
tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 38,9%, trong khi xuất
khẩu sang Hoa Kỳ tăng 65,5% và Hàn Quốc tăng nhẹ 0,1%. Trong nhóm 15 thị trường
xuất khẩu lớn nhất, Anh ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 77,8%, trong khi Trung
Quốc giảm sâu nhất với 38,9%.
Với tình hình hiện
tại, ông Nguyên cho rằng xuất khẩu rau quả năm 2025 khó đạt mục tiêu 7 tỷ USD
như kỳ vọng. Nếu Trung Quốc giảm tỷ lệ lấy mẫu và Việt Nam kiểm soát tốt chất
vàng O, cadimi, xuất khẩu có thể tăng trở lại. Tuy nhiên, ông dự báo kim ngạch
xuất khẩu rau quả cả năm 2025 chỉ đạt trên 6 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra
nhưng vẫn là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Gần đây, Bộ Nông
nghiệp và Môi trường đã ký ba nghị định thư với Trung Quốc, trong đó có hai mặt
hàng rau quả là ớt và chanh leo. Ông Nguyên nhận định, hai mặt hàng này khó tạo
đột phá lớn do Trung Quốc đã tự trồng được với sản lượng lớn. Trước đây, khi
Trung Quốc chưa trồng được thanh long, Việt Nam từng xuất khẩu mặt hàng này đạt
hơn 1 tỷ USD/năm. Nhưng khi Trung Quốc phát triển sản xuất nội địa, kim ngạch
xuất khẩu thanh long giảm còn 400-500 triệu USD/năm.
Tương tự, ớt và
chanh leo của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng nội địa Trung Quốc
và các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ. Ông Nguyên dự báo kim ngạch xuất khẩu ớt
và chanh leo sang Trung Quốc chỉ có thể tăng gấp đôi so với năm 2024, tức mỗi mặt
hàng tăng thêm 100-200 triệu USD/năm. Dù đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu
rau quả, hai mặt hàng này khó bù đắp được sự sụt giảm mạnh của sầu riêng. Các mặt
hàng khác như chuối, dù có tăng trưởng, cũng chỉ đóng góp thêm khoảng 100-200
triệu USD.
Trên thực tế để
phát triển bền vững các mặt hàng rau quả nói chung, cần xây dựng chuỗi liên kết
sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đến doanh nghiệp xuất khẩu, đảm
bảo tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các chuyên
gia từ Viện Cây ăn quả Miền Nam cũng đưa ra các khuyến cáo cải tiến quy trình xử
lý sau thu hoạch để nâng cao chất lượng của cây ăn quả xuất khẩu.
Ngọc Hà (sưu tầm:
baochinhphu.vn)