Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần lưu ý quy định mới
27/02/2024 - 15:57 | Giá cả, thông tin thị trường
Sản
phẩm xoài của Việt Nam được đóng gói trong bao 5kg bị phát hiện tồn dư chất
Permethrin – hoạt chất chuyên dùng để trừ bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục bông, đục
trái...
MFDS đã tiến hành thu hồi sản phẩm
xoài xuất xứ Việt Nam do Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản C.T xuất khẩu
sang thị trường Hàn Quốc và khuyến cáo người tiêu dùng đã mua các sản phẩm xoài
xuất khẩu Việt Nam trả lại nơi bán. Sau thông báo thu hồi ngày 22/01 không phát
hiện thêm các lô hàng xoài xuất xứ Việt Nam vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Theo số liệu thống kê của Hải quan
Hàn Quốc, hàng năm Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 25 nghìn tấn xoài với trị giá khoảng
110 triệu USD, trong đó nhập khẩu xoài chủ yếu từ Peru và Thái Lan.
Xoài là sản phẩm trái cây nhiệt đới
được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc bên cạnh chuối và dứa nên nhu cầu tiêu
thụ là rất lớn. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất
lớn tại thị trường Hàn Quốc.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu xoài Việt
Nam sang Hàn Quốc đã tăng từ 7,9 triệu USD (2022) lên 9,9 triệu USD (2023)
nhưng các sản phẩm xoài của Việt Nam vẫn chưa chú ý đến tồn dư thuốc bảo vệ thực
vật dẫn đến những vi phạm đáng tiếc về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nhập
khẩu vào thị trường Hàn Quốc.
“Nhiều khả năng xoài của Việt Nam vượt
ngưỡng quy định cho phép là do được trồng tại các vùng đất chưa được làm sạch
thuốc bảo vệ thực vật và được trồng phân tán nên khó kiểm soát toàn bộ quá
trình trồng, thu hoạch và xử lý hơi nước. Do đó, các cơ quan chức năng của Việt
Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến thông tin, cảnh báo sớm cho doanh
nghiệp xuất khẩu xoài của Việt Nam”, các chuyên gia đánh giá.
Trước đó, năm 2023, mặt hàng ớt đông
lạnh của Việt Nam Nam đang được bán tại thị trường Hàn Quốc cũng đã bị MFDS thu
hồi do phát hiện dư lượng PLS vượt ngưỡng cho phép khi kiểm tra ngẫu nhiên sản
phẩm ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Khối lượng thu hồi là 24 tấn ớt đỏ
đông lạnh sản xuất năm 2022 được đóng gói trong bao 20kg, 1kg và 500g do một
Công ty thương mại Hàn Quốc nhập khẩu từ một công ty của Việt Nam.
Đối với loại ớt đóng gói 20kg và
500g tồn dư chất tricyclazole là 0,04mg/kg và ớt đóng gói 01kg mức tồn dư là
0,02mg/kg cao hơn mức quy định cho phép là dưới 0,01mg/kg. Chất Tricyclazole là
loại hoạt chất quen thuộc trong việc điều trị bệnh nấm, nhất là đối với cây
lúa.
Theo kế hoạch kiểm tra đối với nông
sản nhập khẩu vào Hàn Quốc của MFDS, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam nằm
trong giai đoạn kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2024 đối với 7 loại dư lượng thuốc
bảo vệ thực vật là Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin,
Dimethoate, Isoprothiolein, Methominostrobin.
Những vụ việc như trên nếu không được
ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh nông sản Việt Nam. Do
đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu
nông sản nói chung cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức
dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
VTH (Nguồn: Báo Công Thương)