Xuất khẩu nông sản lập kỳ tích hơn 40 tỷ USD sau 8 tháng
06/09/2024 - 14:29 | Giá cả, thông tin thị trường
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và phát triển
nông thôn, trong 8 tháng năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt
40,08 tỷ USD, nhập khẩu 28,28 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu của ngành nông nghiệp
là 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều
cao hơn cùng kỳ năm trước như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,24 tỷ USD (tăng 20,6%),
cà phê 4,03 tỷ USD (tăng 36,1%), gạo 3,85 tỷ USD (tăng 21,7%), hạt điều 2,77 tỷ
USD (tăng 21,7%), rau quả 4,63 tỷ USD (tăng 30,6%), tôm 2,41 tỷ USD (tăng
9,5%), cá tra 1,2 tỷ USD (tăng 8,2%).
Trong 8 tháng, giá trị xuất vào các thị trường đều
tăng; trong đó giá trị xuất khẩu sang châu Á là 19 tỷ USD (tăng 15,7%), châu Mỹ
9,3 tỷ USD (tăng 22,3%), châu Âu 4,8 tỷ USD (tăng 30,5%), châu Phi 747 triệu
USD (tăng 5,5%) và châu Đại Dương 563 triệu USD (tăng 12,8%).
Hoa
Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất,
trong đó giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5%; Trung
Quốc chiếm 20,4%, tăng 10,2% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 4,6%.
Ngoài các thị trường lớn, trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ,
Nhật Bản, EU, ngành nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp
mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal,
Trung Đông, châu Phi.
Ngành nông nghiệp cũng đón nhiều tin vui trong tháng
8. Theo đó, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
đến Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan
Trung Quốc chính thức ký kết 3 nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất
khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Mỹ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông
thôn đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục
pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam.
Bên cạnh thuỷ sản, Bộ Công Thương dự tính, từ nay đến
cuối năm, 4 nhóm hàng là gạo, hạt điều, cà phê và rau quả đều rộng cửa tăng xuất
khẩu.
Giá bình quân xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt mức 3.683
USD/tấn, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái là con số ấn tượng. Đối với rau quả,
tốc độ xuất khẩu tăng trưởng 2 con số trong 8 tháng qua, đã cho thấy chất lượng
rau quả nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất
khẩu.
Việc ký kết thành công Nghị định thư cho dừa tươi và sầu
riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc vừa qua được coi là cú hích lớn giúp
ngành hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Dự kiến, xuất khẩu sầu
riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400-500 triệu USD ngay trong năm
đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư.
Bên cạnh đó, theo Cục Bảo vệ thực vật, từ tháng 8 năm
nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể xuất khẩu trái bưởi tươi sang thị trường
Hàn Quốc. Như vậy, sau thanh long và xoài, bưởi là quả tươi thứ ba của Việt Nam
được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Ông Hong Su - Chủ tịch doanh nghiệp Hiệp hội doanh
nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: "Đối với Hàn Quốc chi phí sản xuất
nông nghiệp trong nước ngày càng cao lên, chính vì vậy tỷ lệ nhập khẩu hoa quả
từ nước ngoài ngày càng nhiều hơn…".
Riêng với cà phê, dự báo, xuất khẩu trong ngắn hạn sẽ
giảm dần do nguồn cung cạn kiệt, nhưng về dài hạn, xuất khẩu cà phê sẽ phục hồi
khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025 bắt đầu và nhu cầu tiêu thụ tăng
cao trong mùa lễ hội cuối năm.
Dự báo, tận dụng tốt thời cơ xuất khẩu trong những
tháng còn lại, 4 nhóm hàng nông sản chủ lực có thể mang về từ 22 - 23,5 tỷ USD.
VTV.vn