Xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ lập kỷ lục mới với 1,3 tỷ USD
26/11/2024 - 20:40 | Giá cả, thông tin thị trường
Theo
số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu hồ tiêu trong 10
tháng năm 2024 đạt 220,3 nghìn tấn, với giá trị 1,12 tỷ USD, giảm 2,3% về khối
lượng nhưng tăng 48,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá hạt tiêu xuất
khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 đạt 5.084 USD/tấn, tăng 51,7% so với cùng kỳ
năm 2023….
Trong
khi đó, số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho thấy thấp
hơn một chút. Tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387
tấn hồ tiêu các loại, với giá trị hơn 1,044 tỷ USD.
THÚC ĐẨY CHẾ BIẾN SÂU ĐỂ TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH
Cụ
thể, trong tháng 10/2024, Việt Nam xuất khẩu được 18.493 tấn hồ tiêu các
loại với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 120,2 triệu USD. Hoa Kỳ vẫn là thị
trường lớn nhất của xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 10/2024 chiếm 27,7% đạt 5.128
tấn, giảm 8,5% so với tháng 9/2024. Tiếp theo là các thị trường: Hồng Kông đạt
1.784 tấn, UAE đạt 1.382 tấn, Hà Lan đạt 1.000 tấn và Đức đạt 960 tấn. Giá xuất
khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 10/2024 đạt 6.284 USD/tấn và tiêu trắng đạt
8.029 USD/tấn.
Như
vậy, tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu
các loại, trong đó tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn. Về giá
trị xuất khẩu, tiêu đen đạt 881,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 162,6 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 10 tháng đạt 4.971 USD/tấn, tăng 1.528 USD và
tiêu trắng đạt 6.626 USD/tấn, tăng 1.671 USD so với cùng kỳ năm 2023.
Olam
Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong 10 tháng năm 2024 đạt 23.160
tấn, chiếm 10,6% và tăng 51,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các doanh nghiệp
như Phúc Sinh đạt 20.118 tấn, chiếm 9,2%, tăng 58,2%; Nedspice Việt Nam đạt
17.014 tấn, chiếm 7,8%, tăng 10%; Haprosimex JSC đạt 16.002 tấn, chiếm 7,3%,
tăng 77,5% và Trân Châu đạt 14.031 tấn, chiếm 6,4% và giảm 0,8%…
“Tính
trong 10 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam
chiếm 28,5% đạt 62.553 tấn, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là
các thị trường: UAE đạt 14.540 tấn, chiếm 6,6%, tăng 45,0%; Đức đạt 13.737 tấn,
chiếm 6,3%, tăng 77,2%; Ấn Độ đạt 9.428 tấn, chiếm 4,3%, giảm 10,5% và Hà Lan
đạt 9.295 tấn, chiếm 4,2%, tăng 41,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường
xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam đạt 9.252 tấn tuy nhiên so cùng kỳ lượng xuất
khẩu giảm đến 84%”. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam.
Năm
2014 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam lập kỷ lục 1,2 tỷ
USD, nhưng từ sau đó đến năm 2023, đã mất mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, với kết quả
của 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng trưởng gần 50%. Như
vậy, sau 10 năm, xuất khẩu hồ tiêu đã giành lại được mốc 1 tỷ USD, và dự báo cả
năm 2024 sẽ lập mốc kỷ lục mới với 1,3 tỷ USD.
Hiện
95% sản lượng hồ tiêu thu hoạch tại Việt Nam được xuất khẩu, lượng tiêu thụ
trong nước chỉ chiếm 5%. Mặc dù Việt Nam vẫn giữ được vị trí số 1 thế giới về
xuất khẩu hồ tiêu trong suốt hơn 20 năm qua, nhưng theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ
tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, ngành hồ tiêu Việt Nam đang chịu
cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia khác. Trong đó, Brazil có sự bứt phá trong 5
năm gần đây, xuất khẩu đạt 80.000 tấn năm 2023 và dự báo có thể đạt 100.000 tấn
năm 2024.
“Vì
vậy, mọi nỗ lực và hỗ trợ cần được tập trung cho cây hồ tiêu để đảm bảo giữ
diện tích và sản lượng ổn định, Việt Nam tiếp tục giữ thế chủ động, có vai trò
điều tiết giá thị trường thế giới như hiện nay. Mặt khác, cần phải thúc đẩy chế
biến hồ tiêu để nâng sức cạnh tranh và tăng cao giá trị cho hồ tiêu xuất khẩu”,
bà Hoàng Thị Liên khuyến nghị.
Theo
thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cả nước hiện có khoảng
200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng
đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Toàn ngành hàng có 14 nhà máy chế biến
sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất
khẩu.
Công
nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường
thế giới nói chung. Các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo
tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã tạo ra sản phẩm đa dạng: Tiêu đen, trắng nguyên
hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ.
Dẫu
vậy, về tổng thể, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, giá trị thấp hơn giá
bán của Ấn Độ, Malaysia. Nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến
tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương
đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới.
Vì
vậy, Hiệp Hội hồ tiêu Việt Nam khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm từ
khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa
sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu
toàn cầu.
PHÁT TRIỂN HỒ TIÊU BỀN VỮNG, GIẢM PHÁT
THẢI
Mới
đây, tại Đắk Nông, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông tổ chức Diễn đàn “Giải pháp canh tác hồ
tiêu bền vững giảm phát thải khí nhà kính tại tỉnh Đắk Nông”.
Theo
thông tin tại diễn đàn, Đắk Nông hiện có hơn 34.000ha hồ tiêu, năng suất
bình quân khoảng 2,4 tấn/ha; tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn/năm.
Hồ tiêu Đắk Nông đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích; đứng
thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về sản lượng. Diện tích hồ tiêu tập trung nhiều
nhất tại Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Mil. Đắk Nông đang phát triển hồ tiêu thành
ngành sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu trên thị trường
thế giới, Đắk Nông
Tỉnh
Đắk Nông đã xây dựng các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển
hồ tiêu cụ thể. Trong đó, tỉnh định hướng phát triển cây hồ tiêu theo vùng sản
xuất quy mô lớn, tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế
biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn tỉnh có 322,8ha hồ tiêu đạt
chứng nhận VietGAP; 601,7ha đạt chứng nhận hữu cơ và 2.219,8ha đạt các tiêu
chuẩn khác như Flo, Rainforest…
Tại
diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã trình
bày một số tham luận về thực trạng và giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững,
các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác hồ tiêu bền vững giảm
phát thải khí nhà kính. Giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên
cây hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…
Các
hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh cũng nêu ý kiến, kiến nghị với cơ quan chức
năng, doanh nghiệp về thực trạng quản lý phân bón; biện pháp giúp nông hộ áp
dụng canh tác giảm phát thải khí nhà kính; cách phòng, trừ bệnh chết nhanh,
chết chậm, sử dụng giống tiêu chất lượng…
Đắk
Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 duy trì khoảng 34.000ha hồ tiêu, sản lượng
đạt khoảng 73.000 tấn/vụ; đến năm 2030, diện tích đạt khoảng 33.600ha, sản
lượng khoảng trên 73.000 tấn/vụ.
Tỉnh Đắk Nông cũng đang hình thành và phát triển 4 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung, với tổng diện tích 3.049ha tại các vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu.
Thảo Nguyên