Xây dựng và phát huy hiệu quả “mã số vùng trồng” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

16/07/2024 - 16:03 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Xây dựng “mã số vùng trồng” là một trong những khâu then chốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, để mã số vùng trồng thực sự phát huy hiệu quả cần nỗ lự của nhiều phía, đăc biệt là ý thức gìn giữ, đảm bảo uy tín các nông hộ, doanh nghiệp, HTX.

Cây ăn trái được xác định là một trong những loại cây trồng chính và là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng hơn 10.000 ha cây ăn trái các loại, mặc dù không nhiều chủng loại nhưng có một số trái cây được xem là điểm mạnh đáng kể của ngành hàng như: nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, thanh long, chuối,… Việc mở rộng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng của các loại trái cây, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, mã số vùng trồng được xác định là một trong những điều kiện bắt buộc để trái cây có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính.


Hình ảnh: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn nông hộ trồng bưởi tại thị xã Phú Mỹ xây dựng hồ sơ thiết lập mã số vùng trồng


Trong những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp cùng với nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, đến nay toàn tỉnh đã có 24 vùng trồng được cấp 43 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 1.021,7 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích cây ăn quả, xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Eu, Úc, Nhật và Trung Quốc.

Sau khi có mã số vùng trồng, sản phẩm trái cây của tỉnh được doanh nghiệp và thương lái chủ động tìm đến hợp tác, thu mua với mức giá ổn định; các nông hộ cũng tự tin hơn khi cầm trên tay “tấm vé thông hành” đưa trái cây của tỉnh vươn xa.

Tuy nhiên, để được cấp mã số vùng trồng các tổ chức, cá nhân phải thỏa mãn rất nhiều yêu cầu, đó là tất cả các vùng trồng phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu, như canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn Viet GAP; theo dõi và ghi nhật ký canh tác, kiểm soát dịch hại sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sử dụng... Mỗi mã số vùng trồng đều gắn theo yêu cầu từng thị trường và việc được cấp mã số mới chỉ là bước đầu. Yêu cầu của nước nhập khẩu thường rất khắt khe, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác với cơ quan chức năng trong sử dụng, giám sát mã số vùng trồng, có như vậy mới phát huy được hiệu quả của mã số vùng trồng, tránh việc bị thu hồi.

Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng trồng đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thực hiện giám sát định kỳ tối thiểu một lần/năm hoặc trước vụ thu hoạch đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng và giữ vững mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng góp, góp phần đảm bảo cho sản xuất, xuất khẩu trái cây ổn định và bền vững.

Việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng các loại cây ăn trái với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật không chỉ giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn mà còn góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh minh bạch, trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.           

Hải Dương