Xã Lộc An: Phối hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)

25/06/2024 - 13:42 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Xã Lộc An hiện nay có 278 phương tiện ghe thuyền khai thác thủy sản các loại, số lượng khai thác thủy sản các loại 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.950 tấn, trong đó: thuyền thúng có chiều dài dưới 6m là 23 chiếc; ghe thuyền từ có chiều dài 6m đến dưới 12m là 137 chiếc; từ 12m đến dưới 15m là 70 chiếc; từ 15m đến dưới 24m là 48 chiếc. Trên địa bàn xã đã vận động thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Khai thác thủy sản gồm 25 thành viên, đã đi vào hoạt động ổn định góp phần tăng thu nhập cho ngư dân địa phương.

BCH CĐCS xã đã triển khai kế hoạch số 150/KH-LĐLĐ ngày 6/5/2024 của Liên đoàn Lao động huyện Đất Đỏ đến với cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách và đoàn viên công đoàn (CBCC-NLĐ) về tuyên truyền Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Qua đó CBCC-NLĐ tiếp tục tuyên truyền đến gia đình, người thân, những ngư dân gần nhà, có mối thân quen… để tuyên truyền những nội dung cơ bản về quy định của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)

Ngoài ra, Công đoàn cơ sở xã phối hợp lãnh đạo xã Lộc An gặp gỡ, đối thoại 48 chủ phương tiện ghe thuyền có chiều dài trên 15m đánh bắt hải sản tuyến khơi xa bờ, đa số ghe thuyền hành các nghề: lưới rê, lưới kéo, rập ốc, bẩy mực, xỏng… để tuyên truyền, vận động các chủ ghe thuyền khai thác xa bờ, thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc việc ghi nhật ký khai thác hải sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát ghe thuyền đảm bảo theo đúng quy định.

Bên cạnh đó có một số ghe thuyền hành nghề: rập ốc, bẩy mực, xỏng… nhưng vẫn có chiều dài trên 15m, lâu nay, các ghe thuyền này chỉ khai thác, đánh bắt ở vùng lộng. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay ghe trên 15m buộc phải khai thác vùng khơi. Nếu bà con ngư dân khai thác không thực hiện đúng theo quy định sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt, vi phạm nhiều lần sẽ bị tước giấy phép.

Tại buổi đối thoại, một vài ngư dân xã Lộc An chia sẻ, các nghề bà con đang làm chỉ có ở vùng lộng, nếu đánh bắt ở vùng khơi theo quy định mới sẽ không đạt sản lượng. Bên cạnh đó, tuy ghe thuyền của bà con dài trên 15m, nhưng chiều rộng, chiều cao và công suất máy không đảm bảo an toàn cho phương tiện và ngư dân đi đánh bắt vùng khơi do điều kiện sóng gió. Hiện, đa số các ghe thuyền này đều nằm bờ, không thể vươn khơi. Từ thực tế này, ngư dân xã Lộc An đề nghị chính quyền xã Lộc An đề xuất, kiến nghị các ngành chức năng xem xét, cho phép ghe thuyền ngư dân địa phương khai thác ở vùng lộng như trước đây hoặc có các chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện cải hoán ghe để đánh bắt phù hợp theo vùng khai thác.

Ngư dân xã Lộc An cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần thanh, kiểm tra, làm việc với đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, vì chất lượng không đảm bảo, thường xuyên bị hư hỏng và mất kết nối mà không rõ nguyên nhân; đồng thời đơn vị cung cấp chậm khắc phục và xử lý khi thiết bị xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến hoạt động cũng như quyền lợi của ngư dân. Lãnh đạo địa phương cũng ghi nhận các ý kiến của bà con ngư dân và sẽ nhanh chóng tổng hợp, báo cáo, trình lãnh đạo và các ngành chức năng xem xét, giải quyết.

Nhờ phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân về IUU mà đến nay xã Lộc An không có trường hợp ghe thuyền nào vi phạm đánh bắt hải sản vùng biển nước ngoài, góp phần cùng chính quyền địa phương và ngư dân bảo vệ hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

(Người viết tin: Phạm Duy Ân - CĐCS xã Lộc An).