Vướng mắc tại các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn

03/06/2024 - 14:23 | Giá cả, thông tin thị trường

Hiện nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh… đang có xu hướng giảm do lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, thất nghiệp tăng, kinh tế nhiều nước bất ổn.

Sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng đông lạnh, hoặc sơ chế, sản phẩm chế biến sâu có giá trị cao vẫn còn ít. Đối với hàng thủy sản sang EU, từ năm 2017, Việt Nam đã nhận cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu về IUU.

Đặc biệt, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản có thể gia tăng khi nhiều quốc gia quan tâm tới việc ký kết, gia nhập các FTA như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada khởi động từ tháng 8/2022 mang lại lợi thế cho các nhà cung cấp như Indonesia hay Philippines; hay việc một số nền kinh tế đã quan tâm tới việc gia nhập Hiệp định CPTPP.

Người tiêu dùng tại các thị trường ngày càng quan tâm không chỉ tới nguồn gốc, chất lượng thực phẩm mà còn quan tâm đến cách thức làm ra sản phẩm, hay cách doanh nghiệp đối xử với người lao động, môi trường và xã hội. Những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá đầu vào các nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang ở mức cao.

Đối với việc mở cửa sản phẩm thủy sản sang các nước có nhu cầu nhập khẩu lớn, ông Đặng Văn Vĩnh, Phó trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) cho biết hiện nay có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu thẩm định, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu lập danh sách cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản.

Thị trường liên minh châu Âu (EU)

Ông Vĩnh chia sẻ thêm một số vướng mắc mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang gặp phải tại các thị trường nhập khẩu chính. Chẳng hạn như hiện nay, thủy sản nuôi phải xây dựng, triển khai và được EU công nhận Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi và Chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch. Hàng năm, cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải báo cáo EU kết quả triển khai Chương trình giám sát; định kỳ, cơ quan có thẩm quyền EU sẽ sang thanh tra thực tế việc xây dựng, triển khai Chương trình. Ngoài ra EU còn yêu cầu lập Danh sách toàn bộ cơ sở tham gia trong chuỗi: cơ sở thu mua, sơ chế, kho lạnh, cơ sở chế biến, tàu cấp đông, tàu chế biến. Và chỉ có các cơ sở chế biến xuất khẩu trong danh sách được EU công nhận mới được phép xuất khẩu vào EU.

Các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị EU cảnh báo hoá chất kháng sinh tăng nhanh, đặc biệt sau thanh tra của Tổng cục Sức khỏe và An toàn Thực phẩm (DG SANTE) tháng 6/2023. Hiện nay, chỉ có các cơ sở chế biến xuất khẩu trong DS được EU công nhận mới được phép xuất khẩu. EU yêu rất cầu chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu (về chứng thư, kiểm soát theo cả chuỗi), cụ thể như yêu cầu sản phẩm cá ngừ ngâm trong nước muối chỉ được dùng cho công nghiệp đồ hộp…

Thị trường Trung Quốc

Phía Trung Quốc yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng và quy trình quản lý. Sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong Danh mục 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống được Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi cần phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/Thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm/điều kiện vệ sinh thú y, vàđược cấp mã số/lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi (đối với xuất khẩu tôm sú, tôm thẻ sống).

Cục NAFIQPM có trách nhiệm thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở bao gói xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống, gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đăng ký của cơ sở tới Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) Để GACC cập nhật danh sách cơ sở đáp ứng yêu cầu trên website của GACC. Sau đó, các lô hàng xuất khẩu sẽ được cấp chứng thư. Danh mục chứng thư hàng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (đại diện tại Nam Ninh) để đối chiếu. Việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký, cập nhật thông tin cơ sở và giải quyết các vướng mắc kỹ thuật trên CIFER, phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm, ảnh hưởng tới quá trình bảo quản thủy sản sống.

Từ 1/2/2021, Trung Quốc quy định Tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Đến tháng 5/2023, Trung Quốc đã tiến hành sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Theo đó tôm hùm bông tự nhiên bị cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã chỉ đạo hệ thống Hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Hiện nay tôm hùm bông nuôi muốn nhập khẩu vào Trung Quốc dùng làm thực phẩm phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp - Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra tôm hùm bông phải đáp ứng quy định không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có bằng chứng quá trình nuôi rõ ràng; và không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2).

Các thị trường khác


Danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ yêu cầu thẩm định, chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu

Tại thị trường Brazil, thị trường này quy định chỉ cho phép sử dụng phụ gia phosphates bên ngoài lớp mạ băng đối với sản phẩm thủy sản (bao gồm cá và tôm). Không quy định chế độ xử lý nhiệt theo từng chỉ tiêu bệnh tôm mà quy định chung chế độ xử lý nhiệt cho từng loại sản phẩm… Sau nhiều cuộc họp song phương, quốc tế và cấp cao, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil chấp thuận yêu cầu của Việt Nam và xác nhận xử lý nhiệt trên tôm của Việt Nam nhập khẩu vào Brazil là 100 độ C trong 60 giây.

Từ ngày 14/2/2024 Brazil đã ban hành lệnh dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam xuất khẩu vào Brazil cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virut TiLV (theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA căn cứ vào quy định SPS của WTO). Tuy nhiên đến nay Brazil vẫn chưa có thông báo nào thêm.

Còn tại thị trường Ả rập - Xê út, hiện nay cũng đang áp dụng lệnh tạm đình chỉ với toàn bộ thủy sản nuôi của Việt Nam.

Cục trưởng NAFIQPM Nguyễn Như Tiệp cho biết thêm, xuất khẩu cá bò khô tẩm gia vị của Việt Nam sang Hàn Quốc cũng đang gặp khó khăn trong việc công nhận danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu cá bò khô tẩm gia vị của Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc. Hiện tại, trừ các cơ sở được xếp hạng 1, các cơ sở sản xuất cá bò khô tẩm gia vị có nhu cầu xuất khẩu vào Hàn Quốc phải đăng ký và Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) trực tiếp sang kiểm tra, công nhận. Cục đã nhiều lần đề nghị MFDS thực hiện kiểm tra và đánh giá theo thông lệ quốc tế là kiểm tra, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu và kiểm tra đại diện một số cơ sở để công nhận toàn bộ các cơ sở do nước xuất khẩu gửi danh sách đăng ký. Tuy nhiên đến nay MFDS vẫn chưa có phản hồi.

Cục trưởng NAFIQPM Nguyễn Như Tiệp chia sẻ, thời gian qua, không phải chúng ta không tiếp cận được nhiều thị trường, chúng ta đã đưa được các mặt hàng thủy sản đến rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường lớn, thị trường truyền thống các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm hơn nữa đến các thị trường tiềm năng, thị trường ngách và cả thị trường nội địa vốn còn rất nhiều tiềm năng.

Về lâu dài, Cục NAFIQPM sẽ tiến tới xây dựng dữ liệu thông tin thị trường, quan trọng trong đó là các thông tin về dung lượng thị trường, nhu cầu thị trường và thị hiếu thị trường… Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông quảng bá để tăng uy tín sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Thúy Nga