Việt - Trung dự kiến có Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, chanh leo năm 2024
11/06/2024 - 15:47 | Giá cả, thông tin thị trường
Chia sẻ với phóng viên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho
biết, 3 nhóm sản phẩm chính mà Việt Nam – Trung Quốc quan tâm bao gồm nông sản,
thủy sản, động vật hoang dã. Trong đó, hai bên đã thống nhất ký kết hai Nghị định
thư dừa tươi và thúc đẩy thương mại với cá tầm.
Đối với quả dừa tươi,
người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng mặt hàng này. Để đi đến ký kết
Nghị định thư, Cục Bảo vệ thực vật đã nghiên cứu rất sâu vấn đề kỹ thuật liên
quan đến quản lý sinh vật gây hại, biện pháp quản lý chất lượng an toàn thực phẩm,
bao gói thông tin liên quan đến truy xuất nguồn gốc.
Ông Đạt cũng cho biết,
trong vấn đề thúc đẩy thương mại xuất khẩu cá tầm, hai bên đã giải quyết vướng
mắc, đặc biệt là cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam để nâng cao vai trò quản lý của
hai nước, nâng cao năng lực kỹ thuật mỗi bên để cùng quản lý và thúc đẩy xuất
khẩu.
Tại cuộc hội đàm giữa
Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Trung và Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan
Trung Quốc Triệu Tăng Liên ngày hôm qua (6/6), hai bên đã thống nhất cao về
phương án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với cá tầm của Trung Quốc xuất khẩu
sang Việt Nam, trong đó Trung Quốc sẽ hỗ trợ phía Việt Nam tăng cường năng lực
để giám định loài cá tầm.
Sắp có thêm nhiều nông sản xuất khẩu chính ngạch sang
Trung Quốc
Hiện nay, Việt Nam đã
xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 12 mặt hàng rau quả, bao gồm dưa hấu,
măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm,
xoài, vải, nhãn, mít.
Trong năm 2024, theo
ông Huỳnh Tấn Đạt, hai bên tiếp tục nâng cao pháp lý để tiến tới ký kết các Nghị
định thư về nông sản như chanh leo, ớt, sầu riêng đông lạnh…
Việt Nam và Trung Quốc
cũng sẽ phối hợp để hoàn thiện Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô,
gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc.
Đối với mặt hàng sầu
riêng, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam lần đầu mang về kim
ngạch tỷ USD với 2,25 tỷ USD. Kết quả này diễn ra sau khi Việt Nam có Nghị định
thư về sầu riêng với thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất là Trung Quốc (vào
tháng 7/2022).
Hiện Việt Nam có khoảng
112.000 ha sầu riêng với tổng sản lượng 840.000 tấn. Trong năm 2023, Việt Nam mới
thu hoạch hơn 60.000 ha, còn lại 51.000 ha thiết kế cơ bản sẽ được thu hoạch
vào năm 2024.
VTH (Nguồn:
Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN)