Việt Nam – Na Uy: Đẩy mạnh hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản

07/03/2023 - 09:07 | Xúc tiến thương mại

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) ngày 28/2 phối hợp tổ chức Hội thảo "Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản". Sự kiện có sự tham gia của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, và các quan chức bộ, ban, ngành, đại diện doanh nghiệp hai nước.

Hội thảo nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác song phương giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản. Đây cũng được kỳ vọng là diễn đàn để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các bên liên quan của hai nước gặp gỡ, tìm hiểu và thúc đẩy các giải pháp, cơ hội thiết thực để đẩy mạnh hợp tác nhất là trong bối cảnh xu thế phát triển xanh hơn và bền vững hơn trên toàn thế giới, trong đó các giải pháp khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt.


                                                                        Hội thảo “Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản

Trong lần đầu đến Việt Nam, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy - ông Erling RimestadErling Rimestad cũng đã đánh giá cao mối quan hệ song phương giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản. "Chúng ta đang là những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu nhưng không vì thế mà trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau, thực tế là chúng ta bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Na Uy xuất khẩu các loài như cá hồi, cá tuyết, cua hoàng đế và tôm từ biển. Việt Nam là nhà cung cấp lớn cá tra và tôm nuôi" - ông Erling Rimestad nói.

Khi dân số chạm mốc 8 tỷ người nên nhu cầu lương thực tăng cao, ông Rimestad cho rằng việc sản xuất bền vững rất cần thiết, trong đó hải sản góp phần lớn vào nhu cầu này.

“Hải sản không chỉ tốt cho sức khỏe với hàm lượng protein cao và các chất dinh dưỡng cần thiết, mà còn có lượng khí thải carbon thấp hơn so với sản xuất trên đất liền. Nói cách khác, hải sản tốt cho chúng ta, và tốt cho cả Trái Đất nữa. Điều này đòi hỏi nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản phải bền vững”, quốc vụ khanh chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, ông Rimestad nhận thấy cơ hội tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực này. Theo đó, Na Uy có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam, nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và phát thải carbon thấp hơn.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Na Uy - bà Hilde Solbakken cho biết: “Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, nuôi trồng thủy sản và hàng hải, và coi đây là một trong những trọng tâm của hơn 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971”.

Trong bài phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy dành cho Bộ NN&PTNT, đặc biệt ngành thủy sản trong hơn 30 năm qua, từ xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: "Hội thảo lần này là cơ hội để hai Bên làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp và thúc đẩy thương mại thủy sản, hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác nêu trong Ý định thư mà hai Bên đã ký vào tháng 5/2021".

Cũng tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng đã cập nhật những thông tin về thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm vừa qua; đồng thời chia sẻ những chính sách, chiến lược, định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam nhằm phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển trong những thập kỷ tới. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Na Uy tại Đông Nam Á với tổng sản lượng khoảng 50.000 tấn, trong đó, mặt hàng được tiêu thụ nhiều là cá hồi tăng 49% so với cùng kỳ; các loài thủy sản có vỏ (tôm, nghêu, sò, ốc) cũng tăng trưởng 9% so với năm 2021 (theo báo cáo của Hội đồng Thủy sản Na Uy).

Trong khi đó, Na Uy là quốc gia có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững hơn và phát thải carbon thấp hơn. Vì vậy, thông qua việc hợp tác cùng nhau, hai bên có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành và để Na Uy và Việt Nam trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm.

Tại hội thảo, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) - ông Asbjørn Warvik Rørtveit đã chia sẻ về câu chuyện thành công của sản phẩm cá hồi Na Uy. Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit, cốt lõi của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy là sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống và khoa học hiện đại, coi bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng.

Ngay từ những năm 70, Na Uy đã nuôi trồng và thương mại hóa thành công giống cá hồi Đại tây dương. Bờ biển Na Uy trải dải đến tận Bắc Cực. Đây chính là điều kiện lý tưởng để nuôi cá nước lạnh. Cá hồi được nuôi trong chính môi trường tự nhiên của nó. "Trải qua hàng nghìn năm, ngư dân Na Uy đã tích lũy được cho mình kiến thức chuyên sâu về biển và loài cá này. chúng tôi biết cá của mình cần gì và phát triển ở đâu. Ngày nay, Na Uy vẫn tiếp tục cải thiện quy trình nuôi theo hướng bền vững và áp dụng công nghệ", đại diện Hội đồng Hải sản Na Uy cho hay.

Cũng nhân dịp này, Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) đã công bố kế hoạch hoạt động của mình tại Việt Nam. Theo đó, năm 2023, NSC sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại của mình ở Việt Nam để ngày càng có nhiều khách hàng biết tới sự hiện diện của hải sản Na Uy. Đồng thời có những chương trình, kế hoạch gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước.

Thảo Nguyên (Nguồn Tổng cục Thủy sản)