Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và ASEAN
15/08/2023 - 14:32 | Giá cả, thông tin thị trường
Theo
Báo Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2023, nhiều thị trường lớn đang nhập khẩu nông
lâm thủy sản của Việt Nam đều có sự sụt giảm. Trong khi xuất khẩu nông lâm thủy
sản sang các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu giảm mạnh và chưa có nhiều dấu
hiệu phục hồi tích cực thì xuất khẩu sang các thị trường lân cận của Việt Nam
vẫn gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, mức sụt giảm lớn nhất là tại thị trường Hoa Kỳ với kim
ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ
năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trừ cà phê, còn lại 9 mặt hàng
đều giảm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự báo yếu
đi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do việc thắt chặt chính sách
tiền tệ, ước đạt 1,1% vào năm 2023.
Tại thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt
2,1 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. EU đối mặt với khủng hoảng
năng lượng và cơn sốt giá thực phẩm dẫn đến suy thoái kinh tế, cắt giảm chi
tiêu thực phẩm tại nhiều quốc gia. Đặc biệt xu hướng này cũng xảy ra tại những
nước dẫn đầu, trong đó có Đức.
Tại thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước
đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu
mạnh nhất vào thị trường này gồm gỗ, thủy sản và cà phê đều giảm giá trị xuất
khẩu trong 5 tháng đầu năm.
Một số đối sách riêng cho từng thị trường
Đối với thị trường Nhật Bản, dù kim ngạch xuất khẩu vào thị trường
này sụt giảm so với năm 2022 song với những chính sách khuyến khích tiêu dùng
của Chính phủ Nhật Bản cùng nhu cầu tiêu thụ nông sản, thủy sản của người dân
Nhật Bản thì đây vẫn là thị trường tiềm năng. Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các
hoạt động xúc tiến thương mại bên lề các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan
hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản vào
tháng 12/2023 tại Tokyo.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ NN&PTNT đã thông qua các tham
tán nông nghiệp, tham tán thương mại để xác định một số Bang lớn có nhu cầu
nhập khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam, từ đó xúc tiến ký kết các chương
trình thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, thông qua các hiệp hội của Hoa Kỳ, Bộ
NN&PTNT cũng sẽ tìm kiếm các tiểu Bang nhập khẩu nhiều nông sản, thủy
sản Việt Nam để tổ chức làm việc, trao đổi, kết nối xúc tiến sản phẩm vào thị
trường này.
Đẩy nhanh tiến độ xúc tiến thương mại cấp địa phương với Trung
Quốc
Trong khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu nông lâm
thủy sản của Việt Nam vẫn có những khởi sắc rõ nét (đặc biệt có những tín hiệu
tích cực từ các thị trường lân cận - Trung Quốc và ASEAN).
Để khai thác mạnh mẽ hơn nữa những thị trường đang có tăng trưởng,
thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có những hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể
và hiệu quả. Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường ASEAN tăng
trưởng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Điển hình xuất khẩu nông lâm thủy sản
sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%).
Tại thị trường Trung Quốc nửa đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản
của Việt Nam cũng tăng trưởng khá ở mức 7,7%, với những mặt hàng tăng
mạnh về giá trị. Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường
này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ; Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu
năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm 2023.
Trong thời gian tới, đối với thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng
Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ
NN&PTNT) đẩy nhanh trao đổi với tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
hoàn tất bản ghi nhớ và xúc tiến nghị định về xuất khẩu nông sản ở cấp địa
phương. Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội chú ý về vấn đề an
toàn thực phẩm, đặc biệt tại các khu vực cảng, tàu cá, kho bãi.
Bên cạnh đó, xúc tiến trao đổi với tỉnh Quảng Tây về việc thành
lập “Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Quảng Tây - Việt Nam”, “Hiệp hội logistics
nông sản Việt Nam - Quảng Tây” nhằm khắc phục các hạn chế, tháo gỡ các khó khăn
trong vấn đề xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, tạo điều
kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản chính ngạch
sang Trung Quốc.
Mới đây, trong cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng về nông
nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng giữ kết nối
chặt chẽ với Bộ. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về việc Bộ đã xây dựng đề án
logistics sẽ là xương sống cho phát triển thị trường và các doanh nghiệp cũng
cần tham gia cùng với Bộ và các địa phương, trước hết là chia sẻ thông tin,
tiếp đến là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, thúc đẩy tiêu thụ trên thị
trường nội địa và xuất khẩu.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam
Theo VASEP, tháng 6/2023, Trung Quốc & Hồng Kông đã nhập khẩu
48 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 4% so với tháng 5/2023, giảm 15% so với cùng
kỳ năm ngoái. Mức giảm 15% trong tháng 6 đã thấp hơn so với mức giảm của các
tháng trước đó (tháng 4 và 5 ghi nhận giảm từ 30% - 60%). Tính đến hết tháng
6/2023, cá tra Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông đạt 281 triệu USD, giảm
34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau giai đoạn giảm liên tục từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, giá
trung bình xuất khẩu cá tra sang thị trường này ghi nhận ổn định trong các
tháng sau đó. Giá trung binh xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong 5
tháng đầu năm 2023 dao động từ 2,11 USD/kg - 2,29 USD/kg, giảm 10% so với cùng
kỳ năm trước. Riêng tháng 5, giá trung bình đạt 2,29 USD/kg tăng 0,4% so với
tháng trước.
Nhu cầu tiêu thụ giảm, lạm phát vẫn sát mức 0%, doanh nghiệp và
người tiêu dùng Trung Quốc vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm thêm, từ đó trì hoãn chi
tiêu khiến tốc độ tiêu thụ hàng hóa sụt giảm đáng kể. Các chỉ số giá tiêu dùng
và giá sản xuất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục yếu đi trong
tháng 5. Các yếu tố này đã tác động không tích cực tới xuất khẩu cá tra sang
thị trường này trong nửa đầu năm 2023.
Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc & Hồng Kông luôn duy trì vị
trí số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Và khi so với các thị trường chính thì
Trung Quốc & Hồng Kông vẫn duy trì tăng trưởng cao nhất.
Xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc tăng 30%
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông nửa đầu năm
nay đạt 280 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 6 là tháng đầu
tiên kể từ đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông
ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 16% đạt 67 triệu USD. Kể từ tháng
3 năm nay, tốc độ sụt giảm trong từng tháng cũng đã thu hẹp dần.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc & Hồng
Kông, tôm chân trắng chiếm 54,9%, tôm sú chiếm 25,3%, còn lại là tôm khác. Lũy
kế 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Trung
Quốc & Hồng Kông tăng lần lượt 1% và 30% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng mạnh nhất 66%; xuất
khẩu tôm sú chế biến và tôm sú nguyên liệu đông lạnh tăng lần lượt 55% và 29%;
đặc biệt xuất khẩu tôm khô tăng mạnh 583%. Nhìn chung, Trung Quốc & Hồng
Kông chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh (mã HS 03) từ Việt Nam, chiếm
tỷ trọng tới 97%.
Nửa đầu năm 2023, giá trung bình tôm chân trắng của Việt Nam xuất
khẩu sang Trung Quốc dao động từ 4,9-7,9 USD/kg. Trong khi giá trung bình tôm
sú của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này dao động từ 8,2-13,8 USD/kg. Theo
số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc
trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn.
Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm
của Trung Quốc mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch COVID-19.
Ecuador là nhà cung cấp tôm lớn nhất của Trung Quốc với 362.000
tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ và Argentina có mức tăng trưởng
mạnh mẽ. Nhập khẩu tôm vào Trung Quốc từ Ấn Độ tăng 31% và Argentia tăng 270%
trong nửa đầu năm nay 2023 lần lượt là 60.700 tấn và 17.700 tấn. Tuy nhiên, các
sản phẩm từ các nguồn cung này chủ yếu là tôm bỏ đầu, sơ chế và tôm đỏ đánh bắt
tự nhiên nên có giá cao hơn so với Ecuador.
Nửa đầu năm 2023, thách thức đối với tôm Việt Nam tại thị trường
Trung Quốc đó là sau khi bỏ chính sách "Zero COVID-19", lượng tôm từ
Ecuador đổ vào lớn, các địa phương có dân số đông như Quảng Đông, Phúc Kiến…
tăng mạnh nhập tôm từ Ecuador. Điều này tạo áp lực lên tôm Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi Ecuador đẩy mạnh xuất hàng tồn kho giá rẻ kèm
với việc thu hoạch bị hạn chế bởi thời thời tiết thì nguồn hàng của nước này
trong những tháng cuối năm sang Trung Quốc sẽ giảm bớt. Nhu cầu thị trường
Trung Quốc nửa cuối năm 2023 dự kiến vẫn tốt nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang
Trung Quốc nửa cuối năm nay được dự đoán là vẫn sẽ khả quan.
Thúy Nga (Nguồn tổng cục Thủy sản)