Ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

01/10/2023 - 13:17 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng tạo nên các hiện tượng thời tiết bất thường. Trong những năm trở lại đây, biến đổi khí hậu còn gây ra các hiện tượng thời tiết phức tạp và ngày càng khắc nghiệt hơn ảnh hường rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Điều này đặt ra yêu cầu cho ngành Nông nghiệp có những giải pháp để thay đổi và thích ứng mới có thể phát triển bền vững.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích đất nông nghiệp trong những năm qua giảm đi đáng kể do chuyển sang mục đích đất phi nông nghiệp hoặc biển xâm thực đất liền làm cho diện tích đất nông nghiệp ven biển bị cuốn đi và hẹp dần, nhiều người dân mất đất sản xuất và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: sạt lở, xâm nhập mặn,…

Nhằm thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại. Trong thời gian qua, nhiều hợp tác xã, trang trại, nông hộ đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh từ truyền thống sang áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm làm chủ quy trình sản xuất. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ phân tán sang hướng liên kết, tập trung từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó việc cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện nay đã và đang được Nhà nước quan tâm thực hiện.

a) Chuyển đổi khung thời vụ và cơ cấu giống cây trồng phù hợp; tập trung đất đai phát triển theo hướng cánh đồng mẫu lớn; chuyển đổi diện tích các giống cây trồng không chủ động nguồn nước sang các loại cây có khả năng chịu hạn, và có năng suất cao hoặc có thể trồng xen canh để tận dụng tối đa quỹ đất được xem là phương pháp sản xuất có hiệu quả nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng toàn tỉnh là 1.096,2 ha. Trong đó tại huyện Châu Đức có diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cao nhất là 768 ha, chiếm tỷ lệ 70,1% tỷ lệ diện tích, kế đến là huyện Đất Đỏ chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích là 253,2 ha, chiếm tỷ lệ 23,1%, còn lại là thị xã Phú Mỹ với 62 ha chiếm tỷ lệ 5,7%, huyện Long Điền 7,7 ha chiếm tỷ lệ 0,7%, huyện Xuyên Mộc 5,3 ha chiếm tỷ lệ 0,5%. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện trên diện tích sản xuất lúa có hiệu quả thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng hạn, ngập úng sang các loại cây trồng khác có hiệu quả cao, cụ thể như cây hàng năm là rau các loại (dưa hấu, mướp, rau má, đậu bắp, …), bắp, khoai lang, mía,…; Cây lâu năm như cây ăn quả (thanh long, mít, bưởi, dừa, cam, quýt, …), điều, tràm, .…

b) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao với việc ứng dụng nhiều khoa học - công nghệ trong sản xuất là phương pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc áp dụng này không những giúp chủ động việc sản xuất mà còn mang lại lợi nhuận cao cho một số mô hình trang trại; hợp tác xã. Từ đó đời sống người lao động chẳng những được nâng cao, mà còn giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Hình ảnh: Trồng rau thủy canh trong nhà kính giúp chủ động được nguồn nước và các hiện tượng cực đoan của thời tiết

Tính đến nay, tổng số lượng hợp tác xã, trang trại trên địa bàn tỉnh là 476; trong đó hợp tác xã là 122, trang trại 354. Trong số đó có những hợp tác xã, trang trại đã và đang áp dụng công nghệ cao, liên kết vào sản xuất. Có thể kể đến như hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đang ứng dụng các loại máy công nghệ tiên tiến trong sản xuất tinh dầu như máy chiết tách tinh dầu, máy sấy thăng hoa giúp giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm; hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh  ứng dụng máy bay không người lái trong công đoạn phun thuốc BVTV. Việc thực hiện dịch vụ này đã giúp hợp tác xã tiết kiệm thời gian, chi phí lao động, nâng cao hiệu quả và giúp tăng doanh thu cho hợp tác xã góp phần ổn định, cải thiện thu nhập cho thành viên, người lao động; hợp tác xã Chợ Bến nuôi tôm theo quy trình công nghệ cao giúp tăng sản lượng sản phẩm. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế sản xuất giữa làm muối kết hợp nuôi tôm quảng canh và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thì nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hơn gấp 30 – 50 lần; hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt thực hiện canh tác sản xuất theo quy trình VietGap và đã được cấp giấy chứng nhận, phần diện tích đất sản xuất canh tác còn lại theo quy trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh thái, 3 giảm 3 tăng để đảm bảo sản xuất sạch, sản phẩm an toàn; trang trại chăn nuôi gia cầm của ông Trần Văn Ngọc (huyện Châu Đức) với quy mô nuôi 150.000 con gia cầm/lứa phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; trang trại được đầu tư 05 chuồng lạnh khép kín và sử dụng đệm lót sinh học, do vậy kiểm soát tối đa lượng nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, toàn bộ phân và chất độn chuồng được thu gom, cung ứng nguyên liệu cho nhà máy phân bón Huy Bảo thông qua việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá bán cố định, trang trại ổn định được tình hình sản xuất. Với quy mô nuôi như trên, mỗi năm trang trại xuất từ 3,5- 4 lứa/năm, trọng lượng xuất chồng bình quân 2,4kg/con, giá bán theo hợp đồng đã ký là 29.000 đ/kg; doanh thu đạt khoảng 36 - 40 tỷ đồng/ năm; ước lợi nhuận khoảng 5-6 tỷ đồng/năm; trang trại chăn nuôi heo Vĩnh Tân 2, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ với quy mô 70.750 con heo giống thương phẩm/năm. Ứng dụng công nghệ chăn nuôi chuồng lạnh, nhiều tầng; nhập con giống, tinh heo chất lượng cao từ nước ngoài; chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, bán tự động hóa. Sử dụng Biogas và ứng dụng vi sinh trong xử lý chất và nước thải,...

c) Mức độ cơ giới hóa là một trong những thước đo thể hiện năng lực hiện đại hóa sản xuất, tạo sức cạnh tranh trong nền nông nghiệp hàng hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với quá trình ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, yêu cầu đặt ra cần phải đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng “phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của cơ giới hóa trong nông nghiệp, ngày 01/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3389/QĐ-UBND phê duyệt Dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 12 nội dung các hoạt động của dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

- Trong lĩnh vực trồng trọt: Hiện nay các hộ dân đã ứng dụng các công nghệ cao như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động. Ngoài ra, một số cơ sở có áp dụng công nghệ thủy canh; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời... Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng chất lượng sản phẩm do chủ động quản lý dịch hại, điều kiện sản xuất và tối ưu việc cung cấp dinh dưỡng, nước tưới trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng.

- Trong lĩnh vực chăn nuôi: Nhiều cơ sở đã và đang ứng dụng công nghệ chuồng kín, công nghệ sinh học, .... để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp tập trung.

- Trong lĩnh vực thủy sản: Phần lớn tập trung vào đối tượng thủy sản chủ yếu như tôm và ứng dụng nuôi bằng phương pháp nuôi hồ trải bạt trong nhà màng. Theo đó, phương pháp này giúp gia tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế cao hơn so với truyền thống.

Lài Nguyễn – Chi cục Phát triển nông thôn