UBND huyện Châu Đức tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 trên địa bàn huyện

06/03/2023 - 10:30 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Sáng ngày 21/02/2023, UBND huyện Châu Đức tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 trên địa bàn huyện.

                    Trong năm 2022 UBND huyện đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 3 chương trình MTQG về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; xây dựng, hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và đã đạt nhiều kết quả tích cực, diện mạo nông thôn của huyện ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

            Về chương trình xây dựng nông thôn mới: trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định số 1735/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025 và Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 03/2/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025; đến nay, huyện Châu Đức có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Châu Đức đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng trong thời gian qua đã làm cho diện mạo nông thôn của huyện ngày càng khang trang, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; Chương trình đã huy động được nguồn lực lớn cả trong và ngoài ngân sách, nhất là đã xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân…

            Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số: huyện Châu Đức triển khai thực hiện 27 danh mục đầu tư, với tổng kinh phí 87,7 tỷ đồng, trong đó gồm 15 công trình đường giao thông nông thôn, 06 công trình lưới điện hạ thế; 06 công trình nước sạch sinh hoạt. Tỷ lệ giải ngân vốn tính đến ngày 31/01/2023 thực hiện 85 tỷ, đạt 97,7% kế hoạch vốn phân bổ năm 2022; xây mới 46 căn nhà; sửa chữa 28 nhà ở và xây dựng 65 nhà vệ sinh. Đồng thời phối hợp thực hiện các chính sách như cấp thẻ bảo hiểm cho người nghèo; hỗ trợ cây, con giống, nguồn vốn, giúp người đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

            Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: cùng với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo bền vững cũng là một trong những công tác trọng tâm được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể quan tâm chỉ đạo thực hiện, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện xuyên suốt trong năm 2022 với kết quả rất khả quan. Tổng số hộ nghèo đầu năm 2022 trên địa bàn huyện 706 hộ chiếm tỷ lệ 1,75% so với tổng số hộ dân, đến cuối năm 2022 số hộ nghèo còn lại 610 hộ, chiếm tỷ lệ 1,51% so với tổng số hộ dân. Trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo chuẩn quốc gia.

            Thông qua hội nghị, UBND huyện đã trao khen thưởng cho 09 tập thể và 19 cá nhân đạt thành tích trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây nêu trên.

          Để triển khai thực hiện tốt các chương trình MTQG trên địa bàn huyện trong thời gian tới, huyện Châu Đức đã đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023 như: nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục xây dựng kế hoạch giữ vững và nâng cao chất lượng các Bộ tiêu chí, tuyệt đối không có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đạt được, thiếu sự tập trung, không tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng mức đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới; các thành viên Ban Chỉ đạo phải nắm chắc nội dung, thực trạng của các chỉ tiêu, tiêu chí do ngành, lĩnh vực mình phụ trách ở từng địa phương; thường xuyên đôn đốc, kịp thời hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới trong việc triển khai và đánh giá hoàn thành chỉ tiêu, tiêu chí; phối hợp với các ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, ưu tiên tập trung đào tạo nghề cho lao động nghèo ở địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho người dân, để người dân phải biết chịu khó lao động sản xuất, tự lực tự cường, mạnh dạn vay vốn ưu đãi, góp vốn, góp sức tham gia đóng góp, cùng nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ có hiệu quả…..

            CTV Ngân Phan