Truy xuất nguồn gốc hàng hóa Nông sản xu thế tất yếu khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
28/10/2020 - 10:17 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Đối với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là
bước đầu tạo sự tin tưởng ở khách hàng về sự minh bạch mọi thông tin của sản
phẩm. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm
hiệu quả, nhanh gọn giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Các nhà nhập khẩu,
nhà bán lẻ dễ kiểm soát, theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.
Việc truy xuất nguồn gốc hỗ trợ nhà nước, cơ quan chính quyền quản lý hàng hóa,
hạn chế tình trạng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.
Tại nhiều thị trường
phát triển, truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng và bắt buộc đối với nhiều
loại sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm - những sản phẩm có ảnh hưởng
trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2005, truy xuất nguồn
gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên thuộc Liên minh Châu Âu. Năm 2011, Mỹ ban hành Luật Hiện đại hóa An
toàn thực phẩm, yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với
thực phẩm nguy cơ cao. Ireland, Canada quy định nghiêm ngặt về việc dán nhãn mác, nhận diện sản
phẩm, cơ sở sản xuất. Ở Ấn Độ, từ năm 2006, các nhà sản xuất, chế biến nho đã thiết lập và áp
dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử GrapeNet.
Tại Việt nam, việc truy
xuất nguồn gốc đã được triển khai trên cả nước nhằm chuẩn hóa quy trình, đem
lại hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đồng thời đảm
bảo quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.
Ngày 19 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn
gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030: hoàn thiện Cổng
thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao
đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và
quốc tế; Hoàn thiện hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng
hóa trong nước và quốc tế.
Gần đây, việc truy xuất
nguồn gốc hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông sản có vai trò quan trọng
đối với người sản xuất và doanh nghiệp, hợp tác xã.... Nông sản gắn tem truy xuất
sẽ giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà
nước. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện có một số mặt hàng nông sản đã được
gắn tem truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao giá trị của sản phẩm.
Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại
Du lịch Bầu Mây, ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có hơn 30 ha trồng
tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu không hạt…. Trung bình mỗi năm, cung cấp cho thị trường
trong nước khoảng 200 tấn hạt tiêu và các sản phẩm được chế biến từ tiêu. Các sản
phẩm được chế biến từ hạt tiêu Bầu Mây cũng đã xuất khẩu thành công sang nhiều
thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… với giá cao từ 250.000
đồng/kg tới 15 triệu đồng/kg. có kết quả này, năm 2015, hợp tác xã đã bắt đầu
xây dựng quy trình sản xuất theo hướng GlobalGAP. Sau 3 năm, 15 ha cây hồ tiêu
của hợp tác xã đã được cấp bằng chứng nhận GlobalGAP (chứng nhận thực hành nông
nghiệp tốt toàn cầu). Đồng thời, ký kết hợp tác với Hợp tác xã Nông nghiệp Số để
phát triển tem, nhãn, quy trình truy xuất nguồn gốc và quản trị thương hiệu.
Đây là bước ngoặt quan trọng để hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu lớn, nâng
tầm thương hiệu tiêu Bầu Mây. Trong năm 2019, Hợp tác xã Bầu Mây đã xuất khẩu
hơn 100 tấn hồ tiêu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Trung Quốc... với giá cao hơn gấp nhiều lần giá thị trường.
Từ năm 2018, Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài,
xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ được sự hỗ trợ từ một doanh nghiệp đã triển khai gắn
tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm bưởi da xanh của hợp tác xã. Hợp tác xã
cũng ổn định diện tích sản xuất bưởi theo quy trình an toàn hữu cơ. Hiện nay, sản lượng bưởi của toàn Hợp tác xã bưởi da
xanh Sông Xoài đạt khoảng 2.900 tấn/năm; trong đó, có đến 30% sản lượng bưởi đã
được sản xuất theo quy trình hữu cơ nghiêm ngặt và đã được dán tem truy xuất
nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm này giá bán bao giờ cũng cao hơn các giá
thị trường từ 50% và không đủ cung cấp cho thị trường. Thời gian gần đây, với sự phát triển ồ ạt của nhiều
vùng trồng bưởi đã có sự trà trộn vào sản phẩm bưởi da xanh Sông Xoài bán ra thị
trường. Nhiều khách hàng sẽ nhầm lẫn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cũng như
thương hiệu của sản phẩm. Từ đó hợp tác xã quyết định triển khai việc dán tem
truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm bưởi da xanh. Những sản phẩm được dán tem
truy xuất nguồn gốc là những sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn, sạch,
chất lượng bưởi cao, an toàn.
Bên cạnh sản phẩm tiêu Bầu Mây và bưởi da xanh Sông Xoài, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn có một số loại trái cây như chuối, bưởi, tiêu, rau xanh, ca cao… được các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân xây dựng quy trình canh tác sạch đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc chỉ đếm trên đầu ngón tay.Do đó Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” tại Quyết định số 3360/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2019 nhằm triển khai có hiệu quả và cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung của Đề án “Triển khai, áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu đến năm 2025, Tỉnh phấn đấu tối thiểu 20% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc; Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh, kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phấm hàng hóa quốc gia.
Để triển khai đề án, trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông
lâm thủy sản và Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với
các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động
truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp cùng Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập
và Phát triển tổ chức tập huấn về công nghệ và các hình thức truy xuất nguồn gốc
sản phẩm hiện nay. Sau khi triển khai các bước về tuyên truyền, Chi cục sẽ tiến
hành xây dựng thí điểm truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh,
ngoài ra đơn vị còn lập danh sách đăng ký ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hổ trợ, xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc cho một số doanh
nghiệp sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh.
Đức
Thành