Trung Quốc - nhà nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới
16/05/2023 - 08:41 | Giá cả, thông tin thị trường
Nguồn cung
Trong năm 2022, chi phí đầu vào của các hoạt động sản xuất nuôi
trồng thủy sản (gồm chi phí thức ăn và nhiên liệu, cước vận chuyển) tăng đáng
kể đã gây khó khăn cho người nuôi tôm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong quý
2 và quý 3 (là vụ nuôi chính ở các nước sản xuất tôm châu Á), sản lượng thu
hoạch và khối lượng xuất khẩu tôm nuôi của châu Á vẫn đạt ở mức trung bình. Về
đối tượng nuôi, tôm thẻ chân trắng chiếm ưu thế trong nguồn cung toàn cầu. Tăng
sản lượng tôm sú nuôi ở châu Á cũng là một điểm đáng chú ý sau nhiều năm sản
lượng tôm sú ở mức thấp.
Nhu cầu và giá tôm tại các thị trường chính tương đối ổn định từ
tháng 1 đến tháng 8. Từ tháng 9, giá tôm trên thị trường quốc tế bắt đầu suy
yếu và đạt mức thấp trong tháng 10 khiến nhiều nông dân sản xuất không có lãi,
nhất là ở khu vực châu Á. Tại Ấn Độ, người nuôi tôm đã giảm thả nuôi và các nhà
chế biến cũng giảm chế biến xuất khẩu do giá thị trường giảm. Xu hướng này cũng
diễn ra tương tự ở Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Thái Lan).Thông thường, sản
lượng tôm nuôi sẽ thấp theo mùa ở châu Á trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm
nay đến tháng 2/tháng 3 của năm sau.
Tại Mỹ Latinh, Ecuador là nhà sản xuất tôm nuôi hàng đầu, sản
lượng tôm nuôi của quốc gia này tiếp tục tăng trưởng mạnh, ước sản lượng đạt
trên một triệu tấn năm 2022.
Tại Mỹ, cơn bão Ian cấp 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bờ biển
Tây Nam Florida, phá hủy các tàu đánh bắt tôm và các cơ sở hạ tầng cảng biển.
Các nhà bán buôn thủy sản Mỹ đang phải đối phó với những phức tạp do cơn bão
gây ra, bao gồm các chuyến hàng liên quan đến Florida và những nơi khác mà cơn
bão đã đi qua.
Tại Argentina, lạm phát cao, tỷ giá hối đoái bất lợi và chi phí
đánh bắt tăng đã ảnh hưởng đến ngành tôm Argentina. Lượng hàng tồn kho lớn
(không tiêu thụ được) ở Argentina và ở cả các thị trường chính của châu Âu, do
nhu cầu tiêu thụ thấp khi tôm dự trữ trong kho đang phải cạnh tranh mạnh với
tôm thẻ chân trắng nuôi. Điều này đã dẫn đến giá bán sụt giảm (nhất là đối với
tôm cỡ lớn) trong khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm sút.
Thương mại quốc tế
Nhìn chung, thương mại tôm toàn cầu tiếp tục xu hướng tích cực
trong nửa đầu năm 2022. Tại hầu hết các thị trường, nhập khẩu đều tăng hơn so
với năm 2021.
Xuất khẩu
Năm 2022, châu Á và châu Mỹ Latinh đã đẩy mạnh sản lượng tôm nuôi
(đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) nhằm đáp ứng nhu cầu tôm toàn cầu ngày một
tăng. Theo đánh giá của FAO, trong số các nhà xuất khẩu hàng đầu thì hai quốc
gia Ecuador và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn đánh giá
từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022 trong khi Ấn Độ và Indonesia hầu như không duy
trì được các xu hướng tích cực này. Xuất khẩu giảm từ Thái Lan, Trung Quốc và
Argentina.
Trong giai đoạn này, khoảng cách nguồn cung giữa hai nhà xuất khẩu
hàng đầu, Ecuador và Ấn Độ, ngày càng lớn khi nước này tăng thị phần tại Trung
Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu và nhiều thị trường khác nữa. Bên cạnh đó,
Ecuador còn tăng xuất khẩu tôm bóc vỏ và tôm tẩm bột sang các thị trường phương
Tây.
Nhập khẩu
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, lũy kế khối lượng nhập khẩu tôm
tại 5 thị trường hàng đầu thế giới tăng cao hơn 13% so với cùng kỳ năm trước,
đạt 1,36 triệu tấn.
6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu tôm sơ chế (bóc vỏ) và tôm đã chế
biến (tẩm bột và các hình thức chế biến khác) đã tăng lên ở hầu hết các thị
trường phương Tây và Nhật Bản, chủ yếu được cung cấp bởi Việt Nam, Thái Lan,
Indonesia và Trung Quốc. Xuất khẩu tôm bóc vỏ của Ecuador cũng tăng lên.
Kể từ đầu mùa thu, nhập khẩu đã giảm ở Mỹ và Châu Âu, nơi có lượng
lớn tôm được dự trữ trong chuỗi cung ứng của địa phương.
Mỹ
Ngành dịch vụ thực phẩm của Mỹ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn
liên quan đến giá nhiên liệu tăng cao, cước vận chuyển hàng hóa tăng, lạm phát,
GDP không tăng trong quý thứ hai liên tiếp... gây ảnh hưởng đến chi phí chung
của toàn bộ chuỗi cung ứng, hơn nữa còn mất thêm nhiều thời gian cho khâu dịch
vụ hậu cần và các vấn đề phát sinh khác liên quan đến việc lưu trữ hàng hóa.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tôm vẫn được duy trì đều đặn và giá tôm vẫn ổn
định khiến nhu cầu tiêu thụ tôm cũng ổn định hơn các mặt hàng thủy sản khác.
Hầu như không có biện pháp hạn chế nào, ăn uống ngoài trời đã trở thành một
đồng minh cơ bản trong thương mại dịch vụ ăn uống ở Mỹ.
Theo số liệu thống kê hải quan, nửa đầu năm 2022, nhập khẩu tôm
của Mỹ tăng 9% lên 441.299 tấn, trị giá là 4,2 tỷ USD. Trong số này, 41% là tôm
bóc vỏ, 32% tôm nguyên vỏ và 26% sản phẩm tôm chế biến. Trong số các nhà xuất
khẩu hàng đầu, Ấn Độ và Indonesia đã mất thị phần vào tay Ecuador, Việt Nam và
Thái Lan trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022.
Liên minh châu Âu
Cùng với việc mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh nhà hàng và dịch
vụ ăn uống, nhu cầu tiêu dùng đối với tôm đã tăng đáng kể tại thị trường Liên
minh châu Âu. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, nhập khẩu trên 400.000 tấn
(+11%), bao gồm cả thương mại trong Liên minh châu Âu. Tây Ban Nha, Pháp, Đan
Mạch, Hà Lan, Ý, Đức và Bỉ là những nhà nhập khẩu hàng đầu.
Nhập khẩu từ các nguồn ngoài Liên minh Châu Âu là 296.407 tấn
(+15,7%) trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022. Các nhà cung cấp hàng đầu là
Ecuador, Ấn Độ, Greenland, Việt Nam và Argentina.
Trên thị trường, tôm đỏ nguyên con của Argentina (Argentine whole
red shrimp) đang bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm thẻ chân trắng; do mặt hàng tôm
thẻ chân trắng có mức giá thấp hơn. Thị trường chính của tôm Argentina là Tây
Ban Nha, hiện đang chuyển hướng sang tôm thẻ chân trắng. Lượng tôm Argentina dự
trữ trong kho lạnh rất cao, cộng với sức mua trên thị trường đang suy yếu, đã
tạo ra môi trường kinh doanh không thuận lợi cho mặt hàng này.
Các quốc gia châu Âu – không thuộc Liên minh Châu Âu
Nhập khẩu cũng tăng ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland
(+12,8%; 38.878 tấn) và Thụy Sĩ (+30,3%; 4.560 tấn) nhưng giảm ở Na Uy (-11%;
8.090 tấn). Xung đột giữa hai quốc gia đã tạo nên xu hướng nhập khẩu không ổn
định ở Ukraine (-61%; 3.648 tấn) và Liên bang Nga. Đặc biệt trong nửa đầu năm
2022, xuất khẩu tôm từ Argentina sang Liên bang Nga đã giảm 84% do lệnh cấm vận
tài chính đối với quốc gia này.
Trung Quốc
Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng tôm tăng mạnh ở các
kênh bán lẻ và dịch vụ ăn uống. Mặt khác, sự thiếu hụt nguồn cung đang được đáp
ứng đầy đủ qua con đường nhập khẩu. Sản lượng tôm nuôi trong nước nhìn chung
tăng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2022.
Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu tăng 25,8% lên 370.123 tấn. Tôm
Ecuador là nhóm sản phẩm dẫn đầu, chiếm thị phần lớn nhất (60%), tiếp theo là
Ấn Độ (12,5%), Việt Nam (6%), Canada (3,6%) và Greenland (3%).
Đến quý 3 năm 2022, nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 51,6% đạt
661.822 tấn, đưa Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới. Khối
lượng này cao hơn 225.133 tấn so với cùng kỳ năm trước. Ecuador vẫn duy trì thị
phần 60%, tương đương với 395.000 tấn, cách xa so với các nhà xuất khẩu tôm
khác. Nguồn cung tôm nuôi và tôm khai thác biển đã tăng lên đối với các nhà
cung cấp Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Iran, Ả Rập Saudi, Canada, Greenland,
Argentina. Động thái bất thường này cũng như những tác động của nó đối với thị
trường toàn cầu sẽ phải được theo dõi thêm vì nhập khẩu của Mỹ cũng đạt tới
646.030 tấn trong cùng giai đoạn.
Nhật Bản
Theo đánh giá của FAO, nhu cầu tôm ở Nhật Bản vẫn yếu trong suốt
năm 2022, đặc biệt là tôm nguyên liệu. Nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 là
96.555 tấn (+2,3%) bao gồm 61% tôm nguyên liệu và 33,5% tôm chế biến. So với
cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu tôm nguyên liệu giảm (-2%; 63.065 tấn) nhưng trái
lại đã tăng lên đối với tôm chế biến (+12%; 32.380 tấn) có nguồn gốc từ Thái
Lan, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.
Trong gần hai năm rưỡi, Nhật Bản đóng cửa đối với khách du lịch
nước ngoài, đến tận tháng 9 năm 2022 mới mở cửa trở lại. Điều này đã ảnh hưởng
đến nhu cầu đối với tôm sơ chế thường được tiêu thụ mạnh trong hoạt động kinh
doanh nhà hàng (gồm tôm tempura sơ chế, tôm bỏ vỏ nguyên đuôi).
Các thị trường khác
Năm 2022, thị trường khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương có xu
hướng tăng tiêu thụ tôm ở kênh bán lẻ và dịch vụ ăn uống. Nhập khẩu tôm tươi và
tôm đông lạnh cho tiêu dùng trong nước đã tăng lên tại Hàn Quốc, Đài Loan
(Trung Quốc), Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore. Trong suốt cả năm
2022, giá bán lẻ tôm vẫn ở mức cao so với giá xuất khẩu tại các thị trường
phương Tây. Trong năm 2022, nhập khẩu tôm đông lạnh để chế biến xuất khẩu cũng
tăng lên ở Việt Nam và Thái Lan.
Giá cả
Thông thường, giá tôm nuôi ở châu Á điều chỉnh trong thời kỳ sản
xuất chính (tháng 5 năm trước đến tháng 9 năm sau) và giá sẽ ổn định vào tháng
10. Tuy nhiên, trong năm 2022, trên thị trường thương mại quốc tế, giá tôm đã
bắt đầu giảm từ giữa tháng 9 xuống mức rất thấp, hoàn toàn bất lợi cho nông dân
trong bối cảnh chi phí đầu vào nuôi trồng thủy sản tăng cao.
Dự báo
Theo diễn biến thông thường hàng năm của mùa vụ thu hoạch tôm
nuôi, trong 4-5 tháng tới, sản lượng tôm nuôi ở châu Á sẽ thấp. Năm 2022, sản
lượng tôm thẻ chân trắng ở Ấn Độ được ước tính giảm xuống còn khoảng 800.000
tấn. Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia, sản lượng cũng được ước
tính giảm nhẹ so với năm trước.
Trái lại, trong năm 2022, xuất khẩu hàng tháng của Ecuador khá ổn
định, sản lượng tôm nuôi ở nước này có thể đã tăng từ 30 đến 35% vào năm 2022.
Đối với tôm khai thác ở biển, ngành tôm Argentina kỳ vọng giá sẽ
ổn định trong những tháng tới với nhu cầu tiêu thụ ổn định hơn.
Nhập khẩu tăng cao ở thị trường Trung Quốc đã đảm bảo nguồn cung
lớn cho đất nước này vào các dịp lễ, Tết của năm 2023, khi nhu cầu của người
tiêu dùng tăng lên đáng kể.
Nhập khẩu cao ở Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2022 được dự đoán là có
thể làm giảm nhập khẩu từ châu Á. Trong tương lai, Mỹ có thể chuyển sang tiếp
nhận nguồn cung gần hơn – ví dụ như nhập khẩu từ Ecuador.
Nhập khẩu tại Liên minh châu Âu có thể sẽ thận trọng hơn do đồng
Euro vẫn yếu so với đồng đô la Mỹ.
Đối với cung, Ecuador có lợi thế so sánh hơn các nhà cung cấp châu
Á ở cả ba thị trường tôm lớn trên thế giới (gồm: Trung Quốc, Mỹ và Liên minh
châu Âu). Ngư dân đánh bắt tôm Argentina cho biết sản lượng khai thác năm 2022
thấp hơn so với năm 2021. Dự đoán sản lượng khai thác tôm không khả quan do số
tàu cập cảng đã giảm mạnh (-36%) so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, các hoạt
động chế biến tôm có thể bị gián đoạn một thời gian do thiếu nguyên liệu giữa
các vụ thu hoạch.
Thúy Nga