Trung Quốc đồng ý xem xét mở cửa cho sản phẩm khoai lang tím Việt Nam
08/06/2021 - 12:15 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Tại hội nghị trực tuyến "Tháo
gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch
Covid-19" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức
ngày 3/6, ông Trương Thành Dãnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long - cho biết,
hiện trên địa bàn tỉnh có 14 ngàn ha trồng khoai lang với sản lượng 350 ngàn
tấn. Trên địa bàn mới chỉ có 1 cơ sở nhà máy chế biến với sản lượng khiêm tốn
2-3 ngàn tấn/năm, số khoai lang còn lại chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung
Quốc. Do dịch Covid-19, khiến việc tiêu thụ, xuất khẩu khoai lang gặp nhiều khó
khăn. "Cách đây 2 tuần có thời điểm khoai lang xuống giá 1.000
đồng/kg, trong khi giá 5.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi".
Trước tình này, để hỗ trợ cho bà con
trồng khoai lang, Sở NN&PTNT tham mưu phát động doanh nghiệp, người dân
cùng chia sẻ, do đó, giá bán đã tăng lên 3.000 đồng/kg nhưng với mức giá bán
này bà con vẫn còn lỗ vốn. Về lâu dài, tỉnh kêu gọi đầu tư kho chứa và nhà máy
chế biến. Ông Trương Thành Dãnh cũng kiến nghị, các bộ ngành xúc tiến tìm kiếm
thị trường, đàm phán với Trung Quốc mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông sản chính
ngạch sang Trung Quốc, trong đó có sản phẩm khoai lang.
Liên quan đến vấn đề mở cửa xuất
khẩu chính ngạch, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật
(Bộ NN&PTNT) - cho biết, hiện Cục đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho
20 loại sản phẩm (trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang… Bên cạnh
đó, hỗ trợ xử lý, đàm phán tháo gỡ các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình
xuất khẩu, đặc biệt là thông báo không tuân thủ liên quan đến kiểm dịch thực
vật và an toàn thực phẩm.
Đối với sản phẩm khoai lang, ngày
2/6, Bộ đã nhận được công hàm từ Trung Quốc. Theo đó, Tổng cục Hải quan Trung
Quốc đồng ý xem xét cho phép Việt Nam xuất khẩu tạm thời khoai lang tím sang
Trung Quốc với điều kiện vùng trồng, cơ sở đóng gói được kiểm tra, triển khai
đảm bảo không nhiễm 10 loại sinh vật gây hại.
Hiện Cục làm việc với các tỉnh Vĩnh Long, Đắk Lắk, Đắk Nông để triển khai các nội dung liên quan đến kỹ thuật, đảm bảo hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật để gửi sang Trung Quốc.
Ngoài ra, đối với một số tỉnh hiện
nay đang chưa có cơ sở đóng gói thì Cục sẽ cùng địa phương thiết lập những cơ
sở đóng gói trong thời gian sớm nhất đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc.
Đối với mặt hàng ớt, bà Nguyễn Thị
Thu Hương cho hay, từ năm 2020, phía Trung Quốc đã yêu cầu tạm dừng mặt hàng
ớt, đến nay phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng ý, trong thời gian chờ họ
làm phân tích nguy cơ dịch hại, Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam tạm thời xuất
khẩu ớt trở lại sang nước này.
Tuy nhiên, Việt Nam cần đáp ứng được
một trong hai điều kiện của họ. Thứ nhất là ớt sẽ phải được sản xuất từ những
vùng không nhiễm ruồi đục quả. Thứ hai là phải được xử lý kiểm dịch thực vật
trước khi xuất khẩu.
Chiều ngày 2/6, Cục Bảo vệ thực vật
đã triệu tập cuộc họp với các đơn vị liên quan. Sau khi xem xét nghiên cứu, rà
soát và nhận thấy biện pháp sản xuất từ vùng không nhiễm dịch hại, không nhiễm
ruồi đục quả sẽ rất khó. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai nghiên cứu và
thiết kế các thông số kỹ thuật về xử lý kiểm dịch thực vật để gửi sang phía
Trung Quốc.
Biện pháp xử lý dự kiến là bằng
Methyl Bromide và việc này sẽ phải mất thời gian để thực hành thử nghiệm, bởi
lực lượng chức năng sẽ phải thu gom lượng nguyên liệu lớn và làm nhiều lần.
Trong tuần tới, Cục sẽ cố gắng hoàn
thành sớm bộ hồ sơ kỹ thuật về xử lý kiểm dịch thực vật sản phẩm ớt để gửi sang
phía Trung Quốc. Về lâu dài, Cục sẽ hoàn thiện Bộ hướng dẫn cho các tỉnh thiết
lập các vùng trồng không nhiễm dịch bệnh hại.
Ngoài ra, thông tin Malaysia sau 2
năm tạm dừng cũng đã cho phép Việt Nam xuất khẩu trở lại. Điều kiện của
Malaysia là ớt cũng phải được sản xuất từ những vùng được Cục Bảo vệ thực vật
cấp mã số và kiểm soát toàn bộ quá trình từ lúc trồng đến cơ sở đóng gói, xuất
khẩu. Cục đã có văn bản gửi các địa phương, doanh nghiệp triển khai các nội
dung này. Như vậy, thời gian tới, ớt sẽ được xuất khẩu trở lại sang Malaysia và
Trung Quốc.
Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng: Đối với mặt hàng ớt xuất khẩu sang
Malaysia, bà Hương cho hay, mặc dù Cục đã có văn bản gửi các địa phương, doanh
nghiệp triển khai các nội dung này gần một tháng qua. Tuy nhiên, đến nay, chưa
có địa phương nào phản hồi lại.
Bà Hương đề nghị các tỉnh phải tích
cực trong việc cùng với Cục Bảo vệ thực vật hoàn thiện các hồ sơ kỹ thuật. Vì
các thị trường nhập khẩu hiện nay đều yêu cầu phải quản lý cụ thể từ từng vùng
trồng, từng cơ sở đóng gói. Do vậy, trách nhiệm của địa phương rất lớn trong
việc thường xuyên giám sát, đôn đốc, đảm bảo sản phẩm của địa phương đáp ứng
đủ, đúng với yêu cầu của các nước xuất khẩu sản phẩm.
Về giải pháp trong thời gian tới đối
với các sản phẩm nông sản nói chung, Cục sẽ triển khai toàn bộ biện pháp thường
xuyên theo dõi dự báo, áp dụng biện pháp phòng trừ tạm thời. Bên cạnh đó, phối
hợp với các địa phương xây dựng vùng trồng, cơ sở xuất khẩu. Thời gian gian
tới, vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ đảm bảo mục tiêu truy xuất nguồn gốc, đáp
ứng yêu cầu xuất khẩu.
Bà Hương cho hay, sau 10 năm thực
hiện mã số vùng trồng, chất lượng nông sản được tăng lên nhiều, sản xuất theo
cùng 1 quy trình, nhận thức của người nông dân tăng lên nhiều chuyển sang sản
xuất theo định hướng thị trường, khách hàng; vùng trồng được cấp mã số nông dân
trong vùng trồng tập hợp thành HTX kiểu mới sản xuất cùng 1 quy trình, ghi
chép, trao đổi kinh nghiệm với nhau. “Vụ vải vừa rồi, giá của trái vải
ở vùng trồng được cấp mã số cao hơn nhiều so với trái vải ở vùng trồng không
được cấp mã số”.
Kim Khánh (nguồn Cục Bảo vệ thực
vật)