Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023

06/04/2023 - 15:50 | Giá cả, thông tin thị trường

Sáng 6/4/2023, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023.

Chủ trì hội nghị có đồng chí Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Đồng chí Đỗ Thắng Hải – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động… và các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.


Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Thu Hà nêu rõ, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen, nhất là những biến động nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và trong nước.

Tuy nhiên với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, vượt lên những khó khăn, biến động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01, 02, 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội nhờ đó nền kinh tế nước ta phục hồi mãnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm…

Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoạt động tích cực đổi mới của Quốc hội; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo các cấp trong triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2023 do Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tổ chức sáng 6/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, thời gian qua, Cuộc vận động đã có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đơn cử, năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cuộc vận động đã được triển khai rộng rãi hơn, quán triệt sâu sắc hơn đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đông đảo doanh nghiệp và người dân.

“Dưới góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp đánh giá rất cao việc trong bối cảnh khó khăn nói chung, Cuộc vận động đã giúp tiêu thụ hàng hoá và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá và cho rằng, Cuộc vận động đã đảm bảo cung ứng hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá thiết yếu đến mọi miền đất nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó có nội dung thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9%. Điều này sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới đã nêu rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Cùng với các văn bản khác của Đảng, Nhà nước, hai văn bản của Chính phủ này cần được bám sát để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động. Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương cũng mong muốn các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động tham gia hơn nữa vào Cuộc vận động.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ luôn xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và mọi nhiệm vụ có liên quan đến nội dung này đều được Bộ Công Thương gắn chặt với Cuộc vận động. Đơn cử như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ đó, Bộ sẽ có điều kiện để triển khai và đưa Cuộc vận động đi vào thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký kết chương trình phối hợp giữa hai bên với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan đến triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đặc biệt, thời gian qua, việc liên kết phối hợp giữa các bộ ngành với các bộ ngành, giữa các địa phương với các địa phương và doanh nghiệp với doanh nghiệp đã được thực hiện rất tốt và được đánh giá cao. Trong đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá rất cao việc các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hàng hoá, dịch vụ của nhau.

“Thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, các chương trình phối hợp rộng hơn nữa với doanh nghiệp ngoài nhà nước để đẩy mạnh sử dụng hàng hoá của nhau, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Hoàng Công Thủy đã báo cáo về kết quả triển khai Cuộc vận động năm 2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Cụ thể, năm 2022, công tác tuyên truyền tiếp tục được các đơn vị triển khai thông qua hàng loạt các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Riêng Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động truyền thông trực tuyến cho Cuộc vận động, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hình ảnh của doanh nghiệp Việt trên môi trường trực tuyến. Các đơn vị cũng đẩy mạnh tổ chức các hội thảo, tọa đàm “Liên kết - hành động vì hàng Việt", “Liên doanh, liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; tổ chức các chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; “ Tự hào thương hiệu Quốc gia"; Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam”.... đã có tác động làm lan tỏa sự ảnh hưởng của Cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 2022, các đơn vị, địa phương tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, điểm bán sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam”... đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước đến người tiêu dùng theo tinh thần của Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa nội địa chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý trở thành điểm nhấn trong thực hiện Cuộc vận động.

“Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương các địa phương đã tổ chức và tiếp nhận theo dõi khoảng 300 đợt bán hàng Việt về nông thôn với khoảng 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút khoảng 60.000 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại khoảng 20 tỷ đồng; đã tổ chức thực hiện, tiếp nhận theo dõi khoảng 200 hội chợ, triển lãm, doanh thu bán hàng khoảng hơn 300 tỷ đồng và 70.000 đợt khuyến mại với tổng giá trị khuyến mại là khoảng 800 tỷ đồng” – đồng chí Hoàng Công Thuỷ nhấn mạnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, ông Hoàng Công Thủy cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính về tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 3/7/2020 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi, phát triển nền kinh tế đất nước và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới.

Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động sẽ tiếp tục được phát huy; song song với việc vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động ở địa phương, đơn vị, cơ sở; rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới quy trình quản lý, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; triển khai các ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt; phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; phát triển, mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng...

“Đặc biệt, năm 2023, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động giao Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố và trao giải thưởng sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam lần 3” - đồng chí Hoàng Công Thuỷ nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã có thảo luận nhằm thúc đẩy hiệu qủa Cuộc vận động. Đồng chí Tô Hoài Nam – thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất Bộ Khoa học công nghệ  mở kho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể được tiếp cận với các đề tài nguyên cứu. Từ đó điều chỉnh, thay đổi, ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Hoàng Quang Phòng, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác phòng chống hàng nhái hàng giả, giữ được uy tín chất lượng hàng Việt, từ đó có cơ sở để vận động vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Thảo Nguyên