Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023
13/03/2023 - 09:00 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình dịch bệnh động vật trên cả nước như sau: Bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra 68 ổ dịch tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 2.984 con. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh có dịch giảm 50%, số ổ dịch giảm 87,4%, số heo buộc phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 87,95%. Hiện nay trên cả nước có 37 xã thuộc 31 huyện của 19 tỉnh chưa qua 21 ngày. Bệnh Cúm gia cầm ghi nhận xảy ra tại 4 huyện của 4 tỉnh, tổng gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 6.596 con. Số ổ dịch giảm 33,33%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 71,26% so với năm 2022 và hiện nay chỉ còn 1 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Cao Bằng chưa qua 21 ngày. Bệnh Lở mồm long móng ghi nhận tại 4 tỉnh với tổng số động vật mắc bệnh là 116 con và tính đến nay tất cả các ổ dịch đã qua 21 ngày không ghi nhận các trường hợp gia súc mắc bệnh. Bệnh Viêm da nổi cục xuất hiện tại 5 tỉnh, thành với 18 ổ dịch, số gia súc mắc bệnh là 113 con và số gia súc buộc tiêu hủy 10 con; so với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh bị dịch bệnh giảm 37,5%, số ổ dịch giảm 87,5%, số gia súc mắc bệnh giảm 93,52% và tiêu hủy giảm 97,06%. Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như Dịch tả heo cổ điển, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Niu - cát - xơn, Gumboro,…, được phát hiện và xử lý sớm nên không gây thành dịch lớn.
Ảnh: ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Nhận định
trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật
có thể tái phát, phát sinh và lây lan trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn
gia súc, gia cầm chiếm số lượng lớn nhưng hình thức chăn nuôi theo quy mô nông
hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn
dịch bệnh; một số loại mầm bệnh còn tồn tại lâu ngoài môi trường và đường truyền
lây rất phức tạp; hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật
chưa được kiểm soát kỹ lưỡng; thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật
nuôi và đặc biệt là chưa thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật
nuôi.
Được sự ủy
quyền tham dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị, Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết “Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu, tính từ đầu năm đến nay, chưa ghi nhận các trường hợp gia súc, gia cầm mắc
các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; công tác xây dựng cơ, sở vùng an toàn dịch bệnh
động vật được ngành thú y phối hợp với các ban ngành và địa phương triển khai tổ
chức thực hiện rất tốt. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 15 vùng (6 huyện, 9 xã) và
88 cơ sở, trang trại chăn nuôi được cơ quan thú y các cấp công nhận an toàn dịch bệnh với các loại bệnh
trong đó có 17 cơ sở, trang trại chăn nuôi heo được chứng nhận an toàn với bệnh
Dịch tả heo Châu Phi”. Tại Hội nghị, Ông Tuấn kiến nghị 2 nội dung, đó là đề
nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, hỗ trợ và thúc đẩy sớm được
đầu tư triển khai xây dựng Trung tâm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật và cơ sở
nuôi động vật sạch bệnh thuộc Chi cục Thú y Vùng VI - Cục Thú y tại cụm cảng
Cái Mép - Thị Vải do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư. Đây cũng là
dự án được Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định đây là Dự án trọng điểm của
tỉnh và đưa vào Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 28/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh khóa VI về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hướng dẫn cơ chế, chính sách làm cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh thực
hiện hỗ trợ cho người dân có heo bị tiêu hủy do mắc bệnh Dịch tả heo Châu Phi
trong năm 2021 và 2022 trên địa bàn tỉnh.
Công tác
phòng, chống dịch bệnh có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển của ngành
chăn nuôi và đánh giá cao phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, do đó đề
nghị các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện, Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét. Bên cạnh đó, có thể thấy hiện
nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi và thú y hoàn chỉnh và
chưa bao giờ ngành thú y lại nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Thủ tướng
Chính phủ thể hiện qua việc ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống các loại bệnh
truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người
như bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả heo Châu Phi, Viêm da nổi cục,
Dại động vật. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để các địa phương xây dựng kế
hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật, qua đó kiểm soát dịch bệnh, ổn định và
phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, lãnh
đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng về
việc cho phép xây dựng dự thảo nghị định riêng biệt về cơ chế, chính
sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. đồng thời ngay trong tuần tới,
sẽ tổ chức xem xét nguồn vốn thực hiện dự án xây dựng Trạm Chẩn đoán xét nghiệm
bệnh động vật và cơ sở chăn nuôi động vật sạch bệnh tại Cụm cảng Cái Mép - Thị
Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trạm Kiểm dịch động vật - thực vật tại Long Thành (Đồng
Nai)./.
Thịnh Đức Minh
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu