Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU

25/04/2023 - 14:31 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Ngày 21/4/2023, tại TP. Quy Nhơn, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo báo và không theo quy định (IUU) và chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.

Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành, các sở, ngành liên quan của 28 tỉnh, thành ven biển cả nước.

Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Thủy sản đã báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 và chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, đội tàu của nước ta có 86.820 chiếc, trong đó tàu 15 m trở lên là 29.000 chiếc. Năm 2022, thủy sản đóng góp 27% tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp. Đến nay công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong cả nước đạt 97,5%.

Dù đã có những chuyển biến nhất định, song việc ngăn chặn vi phạm IUU vẫn chưa triệt để. Từ đầu năm 2023 đến nay, vẫn còn 16 tàu cá vi phạm bị bắt giữ. Bên cạnh đó, một số trung tâm đăng kiểm đã đăng kiểm tàu cá nhưng không nhập lên hệ thống đăng kiểm của Việt Nam.

Nguyên nhân khách quan là do nguồn lợi thủy sản suy giảm, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, quan trọng là do nhận thức về khai thác IUU còn hạn chế, hành động chống khai thác IUU chưa thống nhất, đồng bộ, thiếu nguồn lực để thực thi pháp luật, cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý yếu kém, bộ máy quản lý nhà nước của ngành thủy sản chưa phù hợp.

Để chuẩn bị cho đợt làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 4, từ đây cho tới ngày 5/5, Tổng cục Thủy sản đề nghị toàn ngành ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện cơ chế pháp lý và bộ công cụ để quản lý; đối với công tác quản lý đội tàu, hoàn thành 100% dữ liệu đăng ký, cấp phép, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản lượng trong nước bằng việc giám sát 100% sản lượng sản phẩm bốc dỡ qua cảng, đồng thời truy xuất nguồn gốc được các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam; thực thi pháp luật nghiêm khắc, xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về IUU; tăng cường hợp tác quốc tế liên quan tới lĩnh vực này.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện ngăn chặn vi phạm IUU thời gian qua. Kết quả cho thấy có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là vi phạm IUU vẫn còn diễn ra. Trong 16 tàu cá vi phạm thời gian vừa qua, chỉ có 6 trường hợp đầy đủ chứng cứ, 10 trường hợp còn phải xem xét lại.  Theo kế hoạch, dự kiến Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam từ ngày 23/5 tới đây. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; chuẩn bị đầy đủ, chi tiết kế hoạch để làm việc với Đoàn thanh tra của EC. Tập trung vào công tác truyền thông, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý vi phạm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, đối với việc xử lý chống khai thác IUU, cần tập trung xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm. Thời gian tới, các bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung vào 6 nội dung là: Truyền thông, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, truy suất nguồn gốc, xử lý vi phạm hành chính, hợp tác quốc tế. Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa thêm 6 thiết bị theo dõi nhằm xử lý những tàu cá vi phạm mất kết nối trong quá trình đánh bắt trên biển. Đối với việc giám sát đội tàu, hàng tuần các địa phương cập danh sách tàu cá có nguy cơ cao.

Thúy Nga