Trăn trở giữ vị thế ngành tôm
20/06/2023 - 10:05 | Giá cả, thông tin thị trường
Xuất khẩu quý I sụt giảm mạnh
Xuất
khẩu tôm Việt Nam tháng 3/2023 đạt 265 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm
ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm đạt 600 triệu USD, giảm 37%.
Xuất
khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm 2 con số trong tháng 3/2023.
Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc giảm xung quanh mức 20%; xuất khẩu
sang Mỹ, EU, Trung Quốc giảm sâu hơn khoảng 40%.
Trong
cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt 451 triệu
USD (chiếm tỷ trọng 75,2%), giảm 38% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú
đạt 83 triệu USD, giảm 34%; trong khi xuất khẩu tôm loại khác đạt 65 triệu USD,
giảm 34%.
Nhật
Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17,6%.
Quý I/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 105 triệu USD,
giảm 29% so với cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Nhật Bản năm nay dự kiến vẫn
ổn định. Nhật Bản cũng được nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu
trong năm nay nhờ nhu cầu được đánh giá là ổn định, tình hình lạm phát không
quá căng thẳng, tỷ suất lợi nhuận ở Nhật Bản tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế,
phối chế cao.
Quý
đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 104 triệu USD, giảm 46% so
với cùng kỳ. Lạm phát tăng kỷ lục, sức mua giảm, tồn kho từ năm 2022 còn cao là
những yếu tố làm giảm nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ. Tình hình nhập khẩu tôm của
Mỹ từ Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho hiện tại. Nếu tình hình
tích cực, nhu cầu nhập khẩu có thể phục hồi sau quý II.
Xuất
khẩu tôm sang EU quý I/2023 đạt 89 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ. Xuất
khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023 do tác động chiến
tranh Nga - Ukraine.
Nhiều
chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 sẽ phải đối mặt với thách
thức từ lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sức tiêu thụ của các thị
trường lớn. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với Ecuador và
Ấn Độ về giá thành.
Những
vấn đề tồn tại
TS.
Trần Hữu Lộc, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Một
trong những điểm yếu quan trọng nhất của ngành tôm Việt Nam đó là sự thiếu đồng
bộ về quy hoạch sản xuất bởi quy mô nông hộ nhỏ lẻ khiến hạ tầng nguồn nước
cấp, nước thoát bị chồng chéo, dẫn đến ô nhiễm và dịch bệnh; phần lớn sản lượng
nuôi tôm đến từ quy mô sản xuất nông hộ dẫn đến việc ứng dụng cơ giới trong sản
xuất chưa được đồng bộ, ngoài ra với quy mô sản xuất nhỏ thì chi phí đầu tư
trên mỗi đơn vị diện tích lớn; chi phí sản xuất tôm ở Việt Nam là rất cao và
mất lợi thế cạnh tranh so với các nước đối thủ trên cùng phân khúc thị trường…
Còn
theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ngành tôm Việt
Nam hiện nay còn tồn tại một số vấn đề khiến cho sức cạnh tranh giảm so với các
quốc gia nuôi tôm khác như Ấn Độ, Ecuador gồm: (1) Ngành tôm Việt Nam mất 10
nghìn tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm có sử dụng kháng sinh của người dân. Đó là:
Chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để kiểm và kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi
đến nhà máy chế biến. Đây là khoản chi phí không nhỏ và kéo dài hàng chục năm
qua; chi phí kiểm kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà doanh nghiệp phải chịu và
bị trừ vào giá bán; cơ hội bán hàng bị giảm đáng kể do thời gian thông quan kéo
dài do phải chờ thời gian lấy mẫu và chờ kết quả kiểm kháng sinh từ đó khả năng
cạnh tranh của tôm bị giảm sút. (2) Hiện tại giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam
cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt
Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.
Làm
gì để nâng cao khả năng cạnh tranh?
Ngành
tôm nước ta đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt hộ dân, doanh nghiệp đã
ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích
ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản
phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và đối mặt nhiều thách thức.
Tại
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt
Nam (VASEP) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam diễn ra ngày 13/4/2023, ông Lê
Văn Quang nói: “Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam,
hàng năm kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 40 - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả
ngành thủy sản. Vì vậy để phát triển ngành thủy sản thì nên tập trung chú trong
nhiều hơn trong việc phát triển con tôm, bao gồm từ khâu nuôi trồng nguyên liệu
đến chế biến, xuất khẩu, giúp con tôm Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường
thế giới”.
Theo
đó, ông Quang cũng đã đưa ra một số kiến nghị như: Chính phủ mạnh tay với kháng
sinh; kiểm kháng sinh liên tục và thường xuyên ở vùng nuôi, nếu phát hiện kháng
sinh phải hủy ao tôm đó ngay thì mới dẹp được thói quen dùng kháng sinh của
người dân; kiểm soát chặt chẽ và xử lý thật mạnh tay với công ty và người bán
thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh... có trộn kháng sinh là cắt giấy phép kinh
doanh và xử lý hình sự.
Chính
phủ cho phép xây dựng cơ chế được hợp tác công tư giữa doanh nghiệp với các
viện nghiên cứu, trong đó có Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản II trong
các vấn đề cụ thể như: Gia hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú và tôm bố mẹ
thẻ chân trắng để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt
với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng miền của Việt
Nam; sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời
tiết khí hậu, môi trường của từng vùng miền của Việt Nam đưa tỷ lệ thành công
của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên
80% (hiện tại tỷ lệ thành công của nuôi tôm Việt Nam dưới 40%).
Năm
2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt khoảng 747.000 ha
với sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021. Năm
2023, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu diện tích đạt 750.000 ha với sản
lượng tôm các loại hơn 1 triệu tấn và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ
4,3 tỷ USD.
Trong
bối cảnh, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn,
thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu từ chất
lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và
sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ... còn thấp. Giá
thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn nhiều so với Ecuador và Ấn Độ. Để đạt được
mục tiêu đặt ra, ngành tôm rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các
bộ, ngành và sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong chuỗi giá trị
tôm.
Thúy Nga (nguồn TCTS)