Tình hình phát triển ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

10/03/2023 - 10:40 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Chăn nuôi thâm canh hiện đại thường áp dụng các công nghệ hiện đại (về giống, thức ăn, chuồng trại, thú y với máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học) nên được gọi là chăn nuôi công nghiệp hay là chăn nuôi công nghệ cao. Chăn nuôi công nghệ cao thường áp dụng hình thức nuôi nhốt với mật độ cao, trại chăn nuôi hoạt động giống như một nhà máy (factory farming). Phần lớn các sản phẩm thịt, trứng, sữa được bán trong các siêu thị hiện nay trên thế giới được sản xuất bởi chăn nuôi công nghệ cao.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được quan tâm đặc biệt nhất là ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời xác định xây dựng mô hình phát triển kinh tế của tỉnh bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, hợp tác xã, trang trại. Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và phát triển du lịch; xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế; phát triển mạnh mẽ nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

          Chiến lược ngành Chăn nuôi của tỉnh cũng đã nhận định giải pháp trọng tâm là phát triển các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và bảo đảm môi trường được xử lý triệt để, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, ổn định sản xuất chăn nuôi theo hướng bền vững, giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi; phấn đấu tăng tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao lên 35,91%. Tổng hợp toàn tỉnh có 132 cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất chăn nuôi; có 6 sản phẩm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ gồm (Heo thịt: 89 cơ sở, gà thịt: 35 cơ sở, gà chuyên trứng: 2 cơ sở, gà trứng giống: 2 cơ sở và sản xuất trứng vịt giống: 2 cơ sở). Tổng quy mô đàn ứng dụng TBKHCN, gồm đàn heo thịt: 264.945 con, gà chuyên thịt: 1.257.000 con, gà chuyên trứng: 98.000 con, gà trứng giống: 80.000 con, vịt trứng giống: 22.000 con, vịt chuyên thịt 11.000 con.

          Tình hình phát triển ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay:

           Huyện Châu Đức hiện có nhiều cơ sở sản xuất chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhất với 58 cơ sở, ứng dụng sản xuất trên 4 sản phẩm (heo thịt: 45 cơ sở; gà chuyên thịt: 11 cơ sở; gà chuyên trứng: 1 cơ sở; vịt trứng giống: 1 cơ sở); Quy mô đàn ứng dụng TBKHCN gồm đàn heo: 67.092 con, đàn gà thịt: 343.000 con, đàn gà chuyên trứng: 65.000 con và đàn vịt trứng giống: 7.000 con.

          Huyện Xuyên Mộc có 41 cơ sở sản xuất chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng sản xuất trên 2 sản phẩm (heo thịt: 36 cơ sở; gà chuyên thịt: 5 cơ sở); Quy mô đàn ứng dụng TBKHCN gồm đàn heo: 173.368 con, đàn gà thịt: 51.000 con.

          Thị xã Phú Mỹ có 20 cơ sở sản xuất chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng sản xuất trên 4 sản phẩm (gà chuyên thịt: 11 cơ sở; heo thịt: 6 cơ sở, gà trứng giống: 2 cơ sở và gà chuyên trứng: 1 cơ sở); Quy mô đàn ứng dụng TBKHCN gồm đàn gà thịt: 723.000 con, đàn heo: 20.985 con, gà trứng giống: 80.000 con và gà chuyên trứng: 33.000 con.

           Huyện Đất Đỏ có 8 cơ sở sản xuất chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng sản xuất trên 4 sản phẩm (gà chuyên thịt: 3 cơ sở; vịt chuyên thịt: 2 cơ sở; heo thịt: 2 cơ sở, vịt trứng giống: 1 cơ sở); Quy mô đàn ứng dụng TBKHCN gồm đàn gà thịt: 140.000 con, vịt chuyên thịt: 11.000 con, đàn heo: 3.500 con và vịt trứng giống: 3.500 con

          Một số cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao điển hình:

           Trang trại chăn nuôi gia cầm chuyên trứng của ông Trần Văn Nam, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, quy mô 16.600.000 trứng/năm, ứng dụng công nghệ chăn nuôi chuồng lạnh, nhiều tầng, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, tự động hóa, bán tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, kiểm soát, ứng dụng vi sinh trong xử lý chất thải.

           Trang trại chăn nuôi heo Trang Linh, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, quy mô 27.450 con heo giống thương phẩm/năm; 54.877 heo thịt/năm. Công nghệ ứng dụng chuồng lạnh, nhập con giống có chất lượng cao từ nước ngoài, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ chăn nuôi tự động hóa, bán tự động, sử dụng Biogas, đệm lót sinh học, chiết tách phân, sản xuất phân vi sinh và ứng dụng vi sinh trong xử lý chất và nước thải.

          Trang trại chăn nuôi heo Vĩnh Tân 2, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, quy mô 70.750 con heo giống thương phẩm/năm, ứng dụng công nghệ chăn nuôi chuồng lạnh; nhập con giống, tinh heo chất lượng cao từ nước ngoài; chăn nuôi theo quy trình VietGAP; ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, bán tự động hóa. Sử dụng Biogas và ứng dụng vi sinh trong xử lý chất và nước thải.

          Mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

          Mức độ ứng dụng trong nhóm công nghệ thông tin:

          (1) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường: có 119/132 cơ sở (đạt 89,76%); Việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các khâu công việc trong quy trình chăn nuôi của cơ sở với các ứng dụng cụ thể như sau:

           Ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ dữ liệu trong quá trình sản xuất của cơ sở, như ghi lại lịch sử mua bán đầu vào (như con giống, thức ăn, vắc xin, lịch sử chăm sóc vật nuôi, ghi lại sản lượng và đầu ra của sản phẩm); Có một số cơ sở sản xuất có giải pháp phần mềm để phân tích, xử lý và ứng dụng vào quy trình và quá trình nuôi.

           Ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu trong xúc tiến thương mại điện tử (tức là các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng Internet, Website và các thiết bị điện tử, các mạng viễn thông để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mục đích phân phối được sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ đến thị trường); Đối với các cơ sở chăn nuôi phần lớn các cơ sở đã sản xuất theo chuỗi với hình thư nuôi gia công hay có các hợp đồng tiêu thụ; nếu nuôi gia công thì các doanh nghiệp thuê gia công cấp quy trình nuôi và đầu vào. Trong chăn nuôi việc ứng dụng CNTT tốt hơn và đi trước trồng trọt. Ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết các thủ tục hành chính hầu hết được giải quyết thông qua mạng Internet (như ký kết hợp đồng, mua bán vật tư, mua bán sản phẩm, thanh toán tài chính và thủ tục hành chính khác…).

           Mức độ ứng dụng trong nhóm kỹ thuật nuôi và tự động hóa:

           Ứng dụng chuồng kín có hệ thống điều khiển môi trường tự động hoặc bán tự động (hệ thống điều khiển nhiệt độ, ẩm độ tự động): Có 95/127 cơ sở (chiếm 74,80%).  Cơ giới hóa, tự động hóa một số khâu trong quá trình sản xuất (vệ sinh chuồng trại, chế biến và phân phối thức ăn, nước uống) có 107/127 cơ sở (chiếm 84,25%).

          Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi ở tỉnh Bà Rịa Vũng tàu phát triển  khá nhanh so với trồng trọt, nhiều cơ sở đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao; thực tế phần lớn các cơ sở tích hợp các công nghệ như (cơ giới hóa, tự động hóa các khâu của quá trình nuôi), một số cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử tự động, viễn thông vào quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; công nghệ sinh học cũng được áp dụng khá tốt để giải quyết trong quá trình nuôi và xử lý chất thải (sử dụng men vi sinh trong thức ăn, nước uống, đệm lót, men trong xử lý chất thải chăn nuôi…).

          Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY