Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Thực trạng và giải pháp phát triển ngành sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
11/02/2022 - 15:48 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
ĐIỂM
SÁNG TRONG BỨC TRANH THĂNG TRẦM NĂM 2021
Năm 2021 khép lại với đầy khó khăn và thách thức đối với
ngành sản xuất chăn nuôi trên cả nước, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dịch
Covid-19 bùng phát trở lại và kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt của đời
sống kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, giá cả các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào
(thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) tăng cao, dịch bệnh (Dịch tả heo châu Phi, bệnh
viêm da nổi cục trên trâu, bò, cúm gia cầm) diễn biến phức tạp và giá bán các
loại sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, không ổn định đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến
ngành sản xuất chăn nuôi.
Trong bức tranh đầy thăng trầm đó, hoạt động sản xuất chăn nuôi tại tỉnh vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận, đó có thể là điểm sáng nổi bật, cụ thể tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt 3,41%, tổng giá trị sản phẩm của ngành chăn nuôi đạt 7.380 tỷ đồng và tình hình dịch bệnh động vật cơ bản được kiểm soát, khống chế và không để lây lan trên diện rộng.
ỨNG
DỤNG CÔNG NGHỆ CAO: HƯỚNG ĐI TẤT YẾU VÀ BỀN VỮNG
Một trong những giải pháp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi là từng bước đưa công nghệ vào sản xuất. Đây là hướng đi tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 92 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, so với năm 2020 thì có thêm 12 trang trại hoạt động theo hình thức này. Tổng số vật nuôi tại các trang trại này là 2,16 triệu con, gồm các loại heo, gà, vịt. Giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 2.224 tỷ đồng và tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 33% so với tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, đều cao hơn so với năm 2020.
Nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ cao là
nâng cao chất lượng con giống đối với các trang trại chăn nuôi heo thì 100% số heo
giống tại các trang trại là lai ngoại (Landrace, Yorkshire, Duroc... được thụ
tinh nhân tạo giống cao sản Duroc, Pietrain...); 100% trang trại gia cầm nuôi
giống lai có năng suất cao, như: Isa, Sasso, Brown, Ai Cập, Ross 308, … Các
trang trại bò sữa, bò thịt sử dụng giống được lai tạo với các giống lai cao
sản, như: Lai Sind, Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus... Đây là tiền đề quan
trọng để ngành chăn nuôi của tỉnh có những bước đột phá về năng suất, chất
lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi trên địa bàn
tỉnh vẫn còn một số khó khăn, thách thức, đó là nguồn vốn để đầu tư cho hoạt
động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhiều hơn so với sản xuất truyền thống
trong khi đó thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, chưa tương xứng với
mức độ đầu tư. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của tỉnh vẫn chủ yếu do
các công ty có vốn đầu tư FDI như C.P, Emivet, Jappa, … hoặc các trang trại
chăn nuôi gia công cho các công ty lớn trong nước đầu tư. Tốc độ đô thị hóa,
công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, quỹ đất dành cho phát triển chăn
nuôi ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển sản xuất manh mún, thiếu bền vững,
ô nhiễm, hạ tầng phục vụ chăn nuôi thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu về chăn
nuôi ứng dụng công nghệ cao. Nhân lực, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng và
tiếp cận công nghệ cao để ứng dụng, chuyển giao còn thiếu...
CƠ HỘI VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NĂM 2022
Năm 2022, chỉ tiêu phát triển sản xuất chăn
nuôi trên địa bàn tỉnh đã được Ban lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, cân
nhắc để đề ra, đó là tổng giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 8.866 tỷ đồng, tốc
độ tăng trưởng đạt 4,0% so với năm 2021, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao phải đạt
từ 37 - 40%. Đây là chỉ tiêu, nhiệm vụ khá nặng nề, nhưng cũng là vinh dự mà Tỉnh
ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tin tưởng giao cho Chi cục Chăn nuôi và
Thú y cùng phối hợp với Sở, ngành và địa phương để thực hiện
Để đạt được
chỉ tiêu đã được các cấp có thẩm quyền giao phó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác
định một số nội dung công việc quan trọng để thực hiện. Cụ thể như:
+ Tiếp tục rà soát để tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông
nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng
chăn nuôi để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Tham mưu tỉnh tiếp tục có
chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự
động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường
chăn nuôi.
+ Bên cạnh đó, tập trung xây dựng vùng an toàn
dịch, cơ sở an toàn dịch cho các trang trại chăn nuôi công nghệ cao; tăng cường
tập huấn chuyên môn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ
thuật, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình
sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; phát
triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng
nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, dây chuyền chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm
gia súc, gia cầm và các dịch vụ khác để thúc đẩy hoạt động công nghệ cao nhằm
đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong chăn nuôi. Qua đó giúp
chăn nuôi công nghệ cao ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển theo hướng bền
vững.
+ Phát triển
mạnh chăn nuôi gia cầm (thịt, giống), heo (thịt, giống) dưới hình thức trang trại
tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo thành địa bàn cung cấp con giống chủ lực
cho toàn tỉnh và các tỉnh, thành khác. Đánh giá, xây dựng và nhân rộng các mô
hình liên kết trong chăn nuôi từ khâu con giống - thức ăn - chăn nuôi - giết mổ
- tiêu thụ. Đây được đánh giá là khâu đột phá quan trọng nhằm giúp người chăn
nuôi của tỉnh an tâm đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất chăn nuôi.
Phòng Nghiệp vụ Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi
và Thú y)