Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đẩy mạnh hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử một cách bền vững trong năm 2022

01/03/2022 - 11:05 | Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyển đổi số trong những năm qua đã thay đổi cả thế giới một cách sâu sắc và toàn diện, trong đó phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trở thành một trong lĩnh vực tiên phong của chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khi mà các phương pháp tiêu thụ truyền thống không phát huy được thì thương mại điện tử đã trở thành “cứu tinh” cho nhiều doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ổn định sản xuất.

Một trong các mục tiêu hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian, ngày 21/7/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tại quyết định số 1034/QĐ-BTTTT.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông đến ngày 28/02/2022 cả nước có hơn 5,2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, với hơn 5,7 triệu hộ được đào tạo kỹ năng số, 70.755 sản phẩm được đưa lên sàn, 83.345 giao dịch được thực hiện, trong đó tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã có 30.575 hộ được tạo tài khoản, 32.957 hộ được đào tạo kỹ năng số và 658 sản phẩm lên sàn.

Với mục tiêu phát triển 50% hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN), hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã tiêu thụ nông sản,… có tài khoản, gian hàng trên sàn TMĐT và tài khoản thanh toán trực tuyến; phấn đấu đến hết năm 2022 đạt một số chỉ tiêu chính: 70% hộ SXNN được đào tạo, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; 60% hộ SXNN được đào tạo, tập huấn quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ SXNN tác nghiệp trong quá trình kết nối, mua bán trên sàn giao dịch TMĐT; 50% hộ SXNN có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn giao dịch TMĐT; 50% hộ SXNN có tài khoản thanh toán điện tử, phục vụ giao dịch trực tuyến trên sàn.

Ngày 21/02/2022, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong việc hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT năm 2022 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch số 2855/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để đạt được mục tiêu trên một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện như sau:

Hai doanh nghiệp Bưu điện tỉnh (PostMart.vn) và Bưu chính Viettel Chi nhánh Vũng Tàu (Voso.vn): Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng số cho các hộ SXNN bằng nhiều hình thức: trực tiếp (hội nghị, hội thảo, xuống tận nhà hộ SXNN), trực tuyến, video, gọi điện thoại… nhằm giúp các hộ SXNN nắm được những kỹ năng cần thiết như tham gia gian hàng, quản lý chất lượng sản phẩm; quy trình giao nhận - đóng gói sản phẩm; kỹ năng marketing trên internet; phương thức thanh toán;… để đưa sản phẩm lên sàn; Phát triển tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử cho các hộ SXNN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã tại các xã, phường, thị trấn đạt chỉ tiêu tối thiểu 50%;

Tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho các hộ đã có đủ thông tin để tạo tài khoản về quy trình đưa sản phẩm lên sàn, tạo gian hàng theo nhu cầu của hộ sản xuất;

Bố trí đủ lực lượng và hỗ trợ kịp thời đến địa bàn cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan để đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cách thức đăng ký, sử dụng thành thạo cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử để giao dịch sàn TMĐT cho các nhóm/tổ công nghệ cộng đồng và hộ SXNN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã tiêu thụ nông sản; hỗ trợ kịp thời hộ gia đình có vướng mắc trong quá trình đưa sản phẩm, hàng hóa lên cửa hàng số;

Phát triển người mua sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, thiết lập hệ thống các kênh phân phối trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; xây dựng phương án vận chuyển tối ưu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian vận chuyển, quy trình đóng gói, bảo quản và phân phối sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng về thời gian nhận hàng; có chính sách ưu đãi để thu hút cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký gian hàng và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng.  

Tại mỗi địa phương cấp huyện lựa chọn 10% hộ SXNN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã tiêu thụ nông sản nòng cốt làm trước, có sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng để tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng thành thạo, hỗ trợ mua và bán sản phẩm, hàng hóa trên sàn TMĐT; Cung cấp thông tin đầu mối liên hệ công tác để kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản; danh sách mặt hàng nông sản trên địa bàn cần đẩy mạnh tiêu thụ; cập nhật danh sách các cơ sở đã ký cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp; UBND cấp huyện giao chỉ tiêu, thị trấn (cấp cho Chủ tịch UBND xã, phường xã) phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, nhu cầu, điều kiện và tình hình thực tế của địa phương...nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.

SN