Tìm đầu ra cho sản phẩm trái cây các tỉnh, thành phía Nam
14/03/2022 - 09:29 | Xúc tiến thương mại
Đây là nhận định của các đại biểu tại diễn đàn trực tuyến “Kết
nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái” do Tổ Điều hành Diễn
đàn Kết nối Nông sản 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày
4/12.
Tiêu thụ có thể gặp
khó
Ông Lê Thanh Tùng, Phó
Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin: Sản lượng cây ăn trái năm 2021 các tỉnh
phía Nam từ Đà Nẵng trở vào đạt hơn 7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với 2020,
tập trung ở những cây ăn quả chủ lực chuối, xoài, mít… Riêng tháng 12/2021, sản
lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn; trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất,
đạt 200.000 tấn. Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng trái cây phía Nam đạt
khoảng 1,6 triệu tấn; Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 52% sản lượng, Duyên hải
Nam Trung bộ chiếm 26%, Đông Nam bộ 16%, Tây Nguyên 6% .
Theo ông Lê Thanh
Tùng, trong quý I/2022, việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái của các tỉnh phía
Nam có thể gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn
biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất
lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc
biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh
tăng thêm, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu…
Bên cạnh đó, chi phí
sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao tác động đến chi phí đầu
vào của sản xuất. Trong khi đó, năng lực chế biến trái cây trong nước còn nhiều
hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn
thì sẽ gây ra rất nhiều tổn thất.
Ông Văn Hữu Huệ, Phó
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Lo cho biết, hiện nay tiêu
thụ nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn dù đã huy động nhiều kênh tiêu thụ từ
truyền thống đến thương mại điện tử. Ngành nông nghiệp tỉnh đã cố gắng kết nối
qua Tổ Công tác 970, Mặt trận Tổ quốc của một số tỉnh để tiêu thụ nông sản cho
nông dân song vẫn chưa giải quyết hết tồn đọng nông sản cho người dân.
Theo ông Văn Hữu Huệ,
khó khăn về đầu ra, cạnh tranh quyết liệt khiến một số đơn vị thu mua chỉ đến
từ 1-2 lần rồi không quay lại. Doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư rất
nhiều nhưng không bán được. Việc kết nối để hình thành hợp tác xã còn yếu, nguyên
nhân cũng do đầu ra kém, nông dân không hào hứng tham gia.
Phân tích về những khó
khăn của ngành rau quả đang phải đối mặt hiện nay, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng
Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay: Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến
phức tạp khiến quá trình xuất khẩu bị ách tắc, tăng trưởng chững lại so với
trước đây. Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tổ chức thu mua cũng như
thuê tàu, thuê container… gây ra tình trạng ứ đọng rau quả ở một số nơi thời
gian qua.
“Với hàng rau quả, thị
trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay vẫn là Trung Quốc, tuy nhiên theo thông tin
mà hiệp hội nhận được, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần
trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới, điều này có thể làm gia tăng tình hình
gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm khó khăn nữa là do chưa thể chế biến
sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa
lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ.” ông Nguyên thông tin thêm.
Cần chiến lược dài hạn
Dán tem kiểm định chất
lượng sản phẩm tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (Ấp Bến Kinh, xã Đôn
Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh minh họa: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Với sản lượng trái cây
khá lớn trong những tháng tới, ông Lê Thanh Tùng đề nghị các địa phương cần nắm
chắc sản lượng, chất lượng cây ăn trái trên địa bàn của mình để có những dự báo
sớm về kịch bản tiêu thụ, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thu
mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm.
Bên cạnh đó, các địa
phương cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch
tiêu thụ cụ thể, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây. Tập trung đầu tư cho
bảo quản, chế biến, số hóa các loại nông sản để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài
hơi trong nhiều năm.
Bà Ngô Tường Vy, Phó
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu nhận định: Thị
trường Trung Quốc đang thay đổi rất nhiều về vấn đề nhập khẩu và có thể nói đây
là bước đệm khiến cả ngành nông nghiệp, các địa phương và các doanh nghiệp cùng
thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Khi chất lượng sản phẩm
rau quả của Việt Nam được nâng cao thì việc liên kết, tiêu thụ của các doanh
nghiệp như Chánh Thu sẽ giảm được nhiều rủi ro khi bước ra thị trường thế giới.
"Tuy nhiên, việc
định hướng sản xuất phải có sự tham gia tích cực của cả người dân, doanh nghiệp
và chính quyền địa phương. Thực tế là có nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm
đến việc nâng cao chất lượng nông sản. Thời gian qua Công ty Chánh Thu làm mã
số vùng trồng cho quả sầu riêng thì nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, mặc kệ người
nông dân làm việc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu
thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các địa phương. Nếu
thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc hơn trong thời gian
tới”, bà Ngô Tường Vy phân tích.
Ông Đặng Phúc Nguyên
đề xuất, với khó khăn trước mắt, ngành nông nghiệp và các địa phương cần lên
phương án đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ rau quả, nông sản nội địa trong thời gian
tới. Về lâu dài, các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp cần nghiên cứu,
chuyển giao thêm các loại giống cây ăn trái mới có chất lượng cao, dễ canh tác.
Đối với sản xuất, cần
cân nhắc việc định hướng hạn chế sử dụng các vật tư có nguồn gốc vô cơ, khuyến
khích người dân liên kết thành hợp tác xã, canh tác theo tiêu chuẩn GAP, hữu
cơ, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Song
song đó, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, đàm phán để mở rộng danh sách các mặt
hàng nhập khẩu vào những thị trường, còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam như
Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…
Cùng quan điểm, ông
Đinh Viết Tú, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho
rằng: Cần cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi;
trong đó, ưu tiên các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có chất lượng cao. Ngoài
ra, các cơ quan chức năng cần xây dựng các phương án để tăng chất lượng, giảm
chi phí, tăng cường chế biến sâu và mở rộng thị trường cũng như xây dựng hệ
thống cung ứng nông sản bền vững.
Đối với các địa
phương, cần chủ động kết nối tìm thêm các thị trường tiềm năng để tránh phụ
thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Song song đó, quan tâm đầu tư đúng
mức phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản xuất bằng cách xây dựng vùng
nguyên liệu tập trung, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và
logistic.
Nguyễn Bình (Nguồn Cục
Chế biến thương mại)