Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Thêm vài giọt rượu vào nước xốt, tưởng cho ngon nhưng là điều cấm

12/11/2024 - 22:07 | Giá cả, thông tin thị trường

Theo Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới, rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc mở rộng thị trường này của Việt Nam là sự thiếu hiểu biết về yêu cầu của Halal.

Tiềm năng & rào cản

Theo ông Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới – WHC, Chứng nhận Halal không phải là một hoạt động kinh doanh, mà là một phương tiện để phục vụ cộng đồng người Hồi giáo và phục vụ xã hội nói chung.

“Halal không chỉ giới hạn trong thực phẩm và đồ uống. Thuốc men, các thiết bị y tế, thời trang, du lịch, truyền thông và logistics cũng đều có liên quan đến Halal”, lãnh đạo WHC làm rõ.

Theo ông, trên thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người Hồi giáo và sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người Hồi giáo chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế Halal.

Trong đó, các lĩnh vực đóng vai trò then chốt bao gồm ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal, công nghiệp mỹ phẩm, thuốc men, dịch vụ tài chính Hồi giáo, thời trang Hồi giáo, du lịch Halal và truyền thông Hồi giáo.

Ông Zafer Gedikli  nhận định, mặc dù số người Hồi giáo tại Việt Nam còn ít, song Việt Nam vẫn có cơ hội rộng mở và tiềm năng thị trường to lớn trong ngành công nghiệp Halal. Nguyên nhân là vị trí địa lý Việt Nam nằm ở gần các quốc gia Hồi giáo như Malaysia và Indonesia, đem lại lợi thế rất lớn.

“Tôi đã từng tới thăm Việt Nam và tôi tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo, nếu như nhận thức về Halal được nâng cao và các cơ sở vật chất phục vụ cho người Hồi giáo trong khách sạn, nhà hàng được triển khai”, Chủ tịch WHC nhận định.

Ông Zafer cho rằng, đối với các chủ doanh nghiệp, điều cấp thiết nhất là phải đào tạo nhân viên và tăng cường khả năng kết nối với khách hàng nhằm tăng cường nhận thức về ngành Halal.

“Rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc mở rộng thị trường Halal của Việt Nam là sự thiếu hiểu biết về yêu cầu của Halal và tình hình thị trường trong giới doanh nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ”, vị lãnh đạo của WHC phân tích thêm.

Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa quen thuộc với các khía cạnh khác nhau của việc tuân thủ Halal, từ việc tìm nguồn nguyên liệu đến quy trình chế biến và đóng gói. Sự thiếu kiến thức này sẽ cản trở các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cần thiết để đạt chứng nhận Halal.

Ví dụ, ở Việt Nam chắc hẳn việc thêm một vài giọt rượu vào nước xốt khi đi ăn nhà hàng là điều hoàn toàn bình thường, song lại là điều không được phép đối với người Hồi giáo.

Hay các tín đồ Hồi giáo ăn thịt bò, thịt gà và thịt cừu, nhưng tất cả các loại động vật này đều phải được giết mổ theo nghi lễ của người Hồi giáo, nếu không, họ sẽ không thể tiêu thụ chúng.

Cơ hội hợp tác

Giới thiệu về WHC, ông Zafer Gedikli cho biết, đây là tổ chức có quy mô bao trùm các cơ quan chứng nhận Halal trên toàn cầu, được thành lập vào năm 1999 và đã cống hiến hết mình để trở thành tiếng nói của các tổ chức chứng nhận Halal.

Tiêu chuẩn Halal đầu tiên được nhiều cơ quan chứng nhận (HCBs) trên thế giới công nhận là do WHC soạn thảo và WHC cũng tiếp tục là hình mẫu tiêu biểu đối với nhiều cơ quan chứng nhận khác.

“WHC có các thành viên đến từ nhiều quốc gia, điều thú vị là phần lớn những thành viên này đều tới từ các quốc gia có rất ít người Hồi giáo sinh sống. Ví dụ như Nhật Bản, Nam Phi, Philippines, Australia, Macedonia, Kenya, Argentina, Ý, Hoa Kỳ, Đức, Hy Lạp, Bulgaria, Nga, Trung Quốc, Canada, Malawi, và Thụy Điển”, Chủ tịch WHC thông tin thêm.

Do đó, WHC hiểu rất rõ thực trạng tại các quốc gia có số lượng người Hồi giáo thiểu số như Việt Nam và tổ chức này cũng có thể đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nhân, các cơ quan chứng nhận Halal và người tiêu dùng Hồi giáo trong nước.

Tuy nhiên, ông Zafer Gedikli cũng cho rằng, sự thành công của việc mở rộng thị trường Halal tại Việt Nam còn phải phụ thuộc vào những nỗ lực của các cơ quan chính phủ, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp.

“Bằng cách đầu tư vào việc nâng cao nhận thức về Halal, đơn giản hóa quy trình chứng nhận và tích cực quảng bá sản phẩm Halal của Việt Nam trên thị trường quốc tế, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức và khai thác tiềm năng lớn của nền kinh tế Halal toàn cầu”, ông nói.

Nhằm hỗ trợ cho vấn đề này, WHC có thể hợp tác với các cơ quan chứng nhận Halal tại Việt Nam và giúp chuẩn hóa quy trình chứng nhận Halal. Tổ chức này có những lợi thế để hợp tác với Việt Nam như đào tạo các kiểm toán viên, hỗ trợ tổ chức các cơ quan chứng nhận Halal, và trao đổi kinh nghiệm cũng như thông tin.

Một lợi thế khác là WHC hoạt động ở nhiều quốc gia với nguồn nhân lực chuyên làm việc với các công ty quốc tế. WHC có thể kết nối với cơ quan chính phủ ở một quốc gia Hồi giáo, và sẽ được cung cấp mọi thông tin cần thiết cho việc kinh doanh Halal tại đó.

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về Halal với bạn bè Việt Nam. Tôi cũng muốn nói thêm rằng WHC rất mong muốn có thể tổ chức một cuộc họp đặc biệt tại Việt Nam để thảo luận thêm về khả năng hợp tác, gặp gỡ các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các cơ quan chứng nhận Halal, đồng thời chia sẻ thông tin từ các chuyên gia của chúng tôi tại WHC”, Chủ tịch WHC cam kết.

Giá trị và một số nguyên tắc Hồi giáo

Theo ông Zafer Gedikli, những thực hành tôn giáo thiêng liêng như cầu nguyện, nhịn ăn, từ thiện (zakat), hành hương, đấu tranh cho chính nghĩa (jihad), có lòng hiếu thảo với cha mẹ, người thân và hàng xóm là nghĩa vụ của người Hồi giáo. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện những nghĩa vụ ấy với ý chí hoàn toàn trong sáng, với sự hòa hợp giữa thân thể và tâm hồn.

Việc uống rượu bia, chơi cờ bạc, cho vay lãi, ăn thịt lợn hay ngoại tình… đều là những hành vi Đấng Allah không cho phép thực hiện. Một tín đồ Hồi giáo phải loại bỏ hoàn toàn những hành vi ấy ra khỏi đời sống và phải cẩn trọng để không đến gần chúng. Ví dụ như phải kiểm tra thành phần của thực phầm mình định sử dụng để đảm bảo rằng thực phẩm ấy đạt tiêu chuẩn Halal.

Ngoài ra, thói kiêu ngạo, keo kiệt, ích kỷ, đố kỵ, thù hằn, nói xấu, dối trá, ác độc và nhẫn tâm… đều được xem là những điều xấu và là Haram (điều cấm) trong Đạo Hồi.

Thảo Nguyên (Báo Nông nghiệp Việt Nam)